GCF được thành lập nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đầu tư vào năng lượng sạch, công nghệ xanh và chuẩn bị các giải pháp ứng phó với những diễn biến môi trường ngày càng khắc nghiệt như nước biển dâng, bão lụt và hạn hán. Quỹ sẽ ưu tiên giải ngân cho các quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đối khí hậu dưới các hình thức tài trợ, cho vay hoặc cấp vốn tư nhân cho các dự án xây dựng các trạm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, tái trồng rừng và xây dựng hệ thống phòng vệ ven biển.
Cao ủy Liên hợp quốc phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu Christiana Figueres (Cri-xti-a-na Phi-ghê-rết) kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp tài chính để đến cuối năm, GCF có nguồn vốn ít nhất là 10 tỷ USD. Trước hội nghị Berlin, các nước đã cam kết đóng góp khoảng 3/4 trong số tiền 10 tỷ USD nêu trên, trong đó Mỹ tuyên bố ủng hộ 3 tỷ USD, Nhật Bản 1,5 tỷ USD, Pháp và Đức mỗi nước 1 tỷ USD và Thụy Điển sẽ đóng góp trên 500 triệu USD. Ngoài ra, một số quốc gia khác như Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hà Lan, Na Uy, Mexico, Luxembourg và CH Séc cũng cam kết hỗ trợ, với tổng số tiền gần 1 tỷ USD. LHQ hy vọng sau sự kiện tại Berlin, nguồn kinh phí của GCF sẽ đạt 9 tỷ USD.
Theo TTXVN