Qua thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước nhằm cụ thể hóa các quy định về Kiểm toán nhà nước và Tổng Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước theo yêu cầu Hiến pháp; bảo đảm thiết chế Kiểm toán nhà nước có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) bày tỏ, một câu hỏi được đặt ra là nếu như không đồng tình với kết luận kiểm toán nhà nước thì căn cứ pháp luật nào để đơn vị được kiểm toán được thực hiện quyền khiếu nại của mình? Và khiếu nại đó sẽ đi đến đâu? Trường hợp dự thảo Luật chưa làm rõ được câu hỏi này thì cần phải hoàn chỉnh thêm.
Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Minh đồng tình nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước nên theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi hết nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Tổng Kiểm tóan nhà nước. Và Phó Tổng kiểm toán nhà nước là 5 năm. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi cho Quốc hội khóa mới trong việc bầu phê chuẩn các chức danh thuộc thẩm quyền quyết định của mình, đồng thời cũng không ảnh hưởng đến quyết toán ngân sách nhà nước.
Đề cập đến thời hạn cuộc kiểm toán, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị, bổ sung thời hạn tối đa của một cuộc kiểm toán vào Luật, bình thường là bao nhiêu ngày kể từ ngày công bố kiểm toán đến khi công bố kết quả kiểm toán. Ngoài ra, những vụ việc cụ thể thì có thể gia hạn, nhưng phải căn cứ giống như thời hạn của cuộc điều tra, xét xử cũng phải có quy định chặt chẽ.
Mặt khác, việc quy định thời hạn tối đa đối với một cuộc kiểm toán, để bảo đảm minh bạch, tạo thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
Về kiểm toán các doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, nhiều đại biểu đồng tình với việc kiểm toán các doanh nghiệp sử dụng vốn và tài sản nhà nước để bảo đảm kiểm toán toàn diện việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, không phụ thuộc vào tỷ lệ phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, chỉ quy định trong Dự thảo luật việc kiểm toán đối với các doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối; không kiểm toán đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 50% vốn trở xuống, nhằm bảo đảm quyền tự chủ của doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với năng lực của kiểm toán nhà nước hiện nay. Các doanh nghiệp mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối thì giao cho kiểm toán độc lập kiểm toán và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán đối với các doanh nghiệp này.
Thêm nữa, để giảm bớt khó khăn cho đơn vị kiểm toán, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị, khoảng cách giữa các đợt kiểm toán từ 2 năm lên 3 năm một lần, đồng thời nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ trong các đơn vị thuộc đối tượng kiểm toán.
Về trách nhiệm của kiểm toán viên đối với kết quả kiểm toán, đại biểu Thân Đức Nam chỉ ra cần phải bổ sung thêm quy định trách nhiệm của kiểm toán viên, nếu sau này phát hiện sai phạm ngay những nội dung đã được kiểm toán thì sẽ xử lý thế nào? Dự thảo cho thấy quyền kiểm toán viên thì nhiều nhưng trách nhiệm kết quả kiểm toán thì quá nhẹ nhàng, không tương xứng giữa quyền và nghĩa vụ.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị ngoài các báo cáo kiểm toán trong lĩnh vực bảo mật, cần bổ sung quy định báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam