Các đại biểu bấm nút thông qua Luật. (Ảnh: TTXVN)
Trước khi đa số các đại biểu bấm nút tán thành thông qua Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Giải trình về ý kiến đề nghị cần có quy định khống chế chi quảng cáo, hoa hồng, khuyến mại vì việc bỏ tỷ lệ khống chế chi quảng cáo sẽ khó quản lý, doanh nghiệp lợi dụng đẩy chi quảng cáo lên cao để tránh nộp thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc quy định khống chế chi quảng cáo được thực hiện từ năm 1999 đến nay, tỷ lệ khống chế được quy định tăng dần qua các năm (từ 7% năm 1999 đến nay là 15%).
Trong xu hướng kinh tế ngày càng phải cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, việc giới hạn chi phí quảng cáo đã hạn chế doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có quy mô kinh doanh vừa và nhỏ phát triển thị trường, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều không khống chế chi phí quảng cáo.
Từ phân tích nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ trong việc hạch toán chi phí quảng cáo, tránh việc lợi dụng cơ chế thông thoáng để gian lận, trốn thuế; rà soát lại các quy định tại Luật thương mại, Luật giá để có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các khoản chi hoa hồng, khuyến mại, nhất là các khoản chi hoa hồng trong lĩnh vực y tế, xuất bản và phát hành sách giáo khoa...
Về đề xuất bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đa số ý kiến đề nghị ưu đãi đối với dự án 12.000 tỷ đồng phải đáp ứng tiêu chí công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật của các nước phát triển; một số ý kiến cho rằng, thời gian áp dụng thuế suất 10% trong 30 năm là quá dài; có ý kiến đề nghị bỏ tiêu chí “dự án đặc biệt thu hút đầu tư”.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin quy định cụ thể trong Luật: dự án đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư phải được thẩm định theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ.
Về xác định các dự án đặc biệt cần thu hút đầu tư, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ quy định: “dự án sử dụng công nghệ tiên tiến trong nước chưa sản xuất được hoặc công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng ở Việt Nam hoặc khu vực Đông Nam Á” và bỏ “công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định” trong dự thảo Luật.
Đối với nhóm các dự án trên 12.000 tỷ đồng, trong trường hợp đặc biệt được ưu đãi đầu tư mới được kéo dài thêm 15 năm (tổng cộng sẽ là 30 năm). Đây là các dự án có quy mô vốn lớn, cần có thời gian dài để có thể thu hồi được vốn, thời hạn dài 30 năm là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư.
Về đề xuất bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, thực tế hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ, trong khi rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp là rất cao.
Mặt khác, thu nhập của nông dân còn thấp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho áp dụng thuế suất ưu đãi 15% thay vì 20% như phương án Chính phủ trình đối với thu nhập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam