Có nên quy định cứng số lượng các bộ ngay trong Luật?

Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Dự thảo Luật, xác định vị trí, chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 94 Hiến pháp.

Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 1 của Dự thảo Luật, xác định vị trí, chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 94 Hiến pháp. Cụ thể: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể hóa rõ hơn quy định nêu trên của Hiến pháp, nhất là quy định mới về quyền hành pháp của Chính phủ.

Đại biểu (ĐB) Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, cần cụ thể hóa vai trò của Chính phủ trong việc kịp thời phát hiện những hành vi vi hiến và vi phạm pháp luật.

ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) nêu quan điểm, cần phân định rõ sự phân công giữa Chính phủ với các cơ quan lập pháp, tư pháp, nhằm xây dựng Chính phủ mạnh, phát huy mạnh mẽ, dân chủ, phục vụ nhân dân, kiến tạo và phát triển đất nước.

 

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ ra dự thảo Luật chưa làm rõ trách nhiệm công vụ của Chính phủ và chính quyền địa phương, ĐB Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng khi có vấn đề xảy ra khó xác định trách nhiệm.

Về số lượng, tên gọi cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật không quy định “cứng” số lượng và tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật này nhằm bảo đảm tính năng động, sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.

Tán thành quy định trên, song ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) đề nghị cần làm rõ hơn vị trị quản lý nhất là trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trên cương vị đứng đầu, tránh đùn đẩy trách nhiệm của các bộ, ngành.

Theo ĐB Lò Hải Ươi, việc quy định cụ thể số bộ sẽ đảm bảo tính ổn định tính ổn định của bộ máy, nhưng để đảm bảo tính linh hoạt cho từng thời kỳ có thể quy định “mở” trình Quốc hội việc thành lập, sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ.

Mặt khác, ĐB Lò Hải Ươi cũng đề xuất: Căn cứ vào chức năng từng bộ, cơ quan ngang bộ nên quy định cứng số cấp phó, trong trường hợp cần thiết Thủ tướng quyết định bổ sung thêm nhưng không quá 1 cấp phó để tránh lạm phát như hiện nay.

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cũng cho rằng không ghi tên bộ trong luật vì sắp hết nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, đồng thời phải đánh giá lại quan điểm “quản lý đa ngành, đa lĩnh vực” vì thu gọn đầu mối cấp bộ nhưng lại “nở” Tổng cục thuộc bộ.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) lại cho rằng, nên quy định cứng số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật. Bởi, hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước đều đã được xác định rõ nên cần phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách để bảo đảm tính ổn định cho bộ máy Chính phủ.

“Cần thành lập Bộ Kinh tế biển vì 50% GDP từ biển trong tương lai nên cần một Bộ quản lý”, ĐB An nói.

ĐB Bùi Thị An cũng đề xuất giao thêm thẩm quyền cho Thủ tướng trực tiếp giải quyết những vấn đề “gay cấn” để hạn chế trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, chồng chéo, đùn đẩy dẫn đến nhiều việc được xử lý chậm, kém hiệu quả như việc xử lý tình trạng cấp phó thời gian qua.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam