Chính sách tinh giản biên chế
Chính phủ vừa ban hành chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
2- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;
3- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;
4- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.
5- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
6- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;
7- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định 5 trường hợp tinh giản biên chế khác bao gồm:
Thứ nhất: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
Thứ hai: Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
Thứ ba: Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004;
Thứ tư: Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi thôi làm đại diện phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vị trí công tác mới;
Thứ năm: Những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Những trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế gồm: những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định của Chính phủ quy định những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế thôi việc ngay được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.
Cũng theo Nghị định, những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:
Hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng; được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề; sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm; được trợ cấp ½ tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội; trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.
Các đối tượng thôi việc trên được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; không được hưởng chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định 46/2010/NĐ-CP và Nghị định 29/2012/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng.
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự UBND 4 tỉnh
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định về nhân sự UBND 4 tỉnh: Quảng Trị, Yên Bái, Thừa Thiên Huế và Kiên Giang.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Đức Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Đức Cường, để nghỉ hưu theo chế độ.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải.
Với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đinh Khắc Đính, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Trường Lưu, để nhận nhiệm vụ mới.
Với tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu cử chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Mai Anh Nhịn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lâm Hoàng Sa để nhận nhiệm vụ mới.
Giải pháp khắc phục sự cố sạt lở đập hồ thải quặng bauxit Tân Rai
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về giải pháp khắc phục sự cố sạt lở đập Hồ thải quặng đuôi số 5 Nhà máy tuyển quặng Tân Rai, Lâm Đồng.
Thông báo kết luận nêu rõ, 2 Dự án Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ là 2 dự án quan trọng của ngành công nghiệp. Chủ trương của Nhà nước là các dự án này phải bảo đảm hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội, do đó việc triển khai thực hiện phải luôn tuân thủ quy định để không chỉ hiệu quả về kinh tế mà còn phải đảm bảo lợi ích hài hòa cho xã hội nhất là an toàn về môi trường.
Trong thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tích cực triển khai thực hiện 2 dự án, với kết quả Dự án Tân Rai đã đưa vào hoạt động bước đầu có hiệu quả; Dự án Nhân Cơ dự kiến tháng 7/2015 hoàn thành toàn bộ và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, vừa qua đã xảy ra sự cố, sạt lở đập Hồ thải quặng đuôi số 5 Nhà máy tuyển quặng Tân Rai, Lâm Đồng, dù thiệt hại không lớn và chưa ảnh hưởng đến môi trường, nhưng điều này cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.
Để không lặp lại trường hợp tương tự trong thời gian tới, không chỉ riêng dự án bauxit và còn các dự án khoáng sản khác, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức kỷ luật đối với Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Đồng và các cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc xảy ra sự cố vừa qua, nhất là trong việc quản lý vận hành khai thác Nhà máy tuyển quặng bauxit Tân Rai, Lâm Đồng. Đồng thời sớm hoàn thành hồ thải số 6 thay thế cho hồ thải số 5 sắp đầy.
TKV tăng cường công tác giám sát chất lượng thi công đối với hồ đập thải quặng đuôi Nhà máy tuyển quặng bauxit và hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang trong giai đoạn thi công. Khẩn trương xây dựng hoàn thành hồ bùn đỏ dự phòng thứ 2 của Nhà máy tuyển Tân Rai; bổ sung thêm trạm quan trắc môi trường, biển báo tại khu vực hồ chứa bùn đỏ; trong quá trình vận hành, cần thường xuyên theo dõi các thông số quan trắc và thông báo công khai với địa phương.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TKV thực hiện nghiêm các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; thường xuyên có báo cáo công tác bảo vệ môi trường gửi cơ quan thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của dự án nhằm hạn chế các tác động có hại đến môi trường xung quanh.
Đối với hồ bùn đỏ, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV rà soát, bổ sung quy trình vận hành, phương án ứng phó, phòng ngừa sự cố; tăng cường công tác quan trắc, giám sát an toàn hồ đập đối với Hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhà máy Alumin Nhân Cơ khi đi vào vận hành trong năm 2015.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với TKV và các cơ quan liên quan tổ chức chỉ đạo rà soát lại toàn bộ thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật hồ đập thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển Tân Rai, Nhân Cơ; rà soát lại quy trình vận hành, phương án ứng phó phòng ngừa sự cố của các hồ chứa, bảo đảm mỗi hồ, đập phải có đủ quy trình vận hành, phương án ứng phó, phòng ngừa sự cố trong trường hợp biến đổi khí hậu, mưa lũ kéo dài, tai biến địa chất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác giám sát môi trường, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo TKV thực hiện các giải pháp liên quan cảnh báo về môi trường, cũng như có các phương án ứng phó khi xảy ra sự cố về môi trường.
Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa phải có đủ 5 điều kiện gồm:
1- Có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải thủy nội địa.
2- Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh.
3- Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
4- Thuyền viên, nhân viên phục vụ có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ( trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng, con của chủ hộ kinh doanh).
5- Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba.
Theo Nghị định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải bảo đảm 7 điều kiện:
1- Có đủ các điều kiện quy định nêu trên.
2- Có văn bản chấp thuận tuyến hoạt động và phương án khai thác tuyến của cơ quan có thẩm quyền nơi đơn vị kinh doanh nộp đơn đăng ký vận tải hành khách đường thủy nội địa theo tuyến cố định. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thủ tục đăng ký tuyến hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa theo tuyến cố định.
3- Nhân viên phục vụ trên phương tiện phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
4- Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác.
5- Có nơi neo đậu cho phương tiện phù hợp với phương án khai thác tuyến và bảo đảm các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường theo quy định.
6- Phương tiện phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo.
7- Có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.
Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện kinh doanh: Vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến; vận chuyển khách du lịch; vận tải hành khách ngang sông; vận tải hàng hóa.
Trong đó, đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch phải có đủ 5 điều kiện đối với đơn vị đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa nêu trên. Bên cạnh đó là các điều kiện: Phương tiện phải được cấp biển hiệu riêng cho phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch theo quy định có liên quan của pháp luật về du lịch.
Quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu.
Theo Nghị đinh, về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa, trong đó, đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi: Có niên hạn sử dụng không quá 35 năm với vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép; không quá 20 năm với vỏ gỗ.
Còn đối với tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí: Có niên hạn sử dụng không quá 30 năm với vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép; không quá 25 năm với vỏ gỗ.
Trong một số trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Nghị định quy định tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu đối với tàu khách và tàu chở người không quá 10 năm, đối với các phương tiện thủy khác không quá 15 năm.
Nghị định nêu rõ, niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa được tính từ năm đóng phương tiện. Tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu được tính từ năm đóng phương tiện cho đến năm đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu phương tiện tại Việt Nam.
Đối với phương tiện thủy nội địa được đóng trong nước, năm đóng phương tiện được xác định là năm phương tiện được cấp hồ sơ đăng kiểm sau khi kết thúc đóng mới.
Đối với phương tiện thủy nhập khẩu, năm đóng phương tiện được xác định làm năm phương tiện được đóng và được ghi trong hồ sơ đăng kiểm hoặc hồ sơ do cơ quan quản lý của quốc gia mà phương tiện được đóng đã cấp cho phương tiện thủy đó.
Văn phòng Chính phủ