Với 20 năm làm công tác Hội, trong đó có 3 nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội phụ nữ xã, chị không chỉ được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, một tay thu vén kinh tế gia đình, nuôi 5 con nhỏ, mà còn là một cán bộ Hội gương mẫu, trách nhiệm, được mọi người tin tưởng, quý mến. Nhưng cũng từ trọng trách và sự tín nhiệm ấy, chị đã có những bước đi lầm lạc để rồi phải ân hận, day dứt cho đến khi chị tìm được cho mình một hướng đi mới hướng thiện bằng chính nghị lực của mình.
Lỗi lầm…
Cuối năm 2003, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai nguồn vốn vay ưu đãi cho đồng bào miền núi có hoàn cảnh khó khăn để cải thiện kinh tế. Được người dân tin tưởng, chị Phốn đứng ra tín chấp cho nhiều chị em phụ nữ trong xã vay vốn. Chị nhớ lại: lúc ấy, gia đình mình cũng khó khăn, mình thiếu suy nghĩ và làm sai. Mình lợi dụng lòng tin của bà con để ăn chặn tiền vay của họ. Mỗi hộ mình chặn một ít để trả nợ và khai hoang đất rẫy. Khi sự việc vỡ lỡ, mình ân hận lắm, số nợ lên đến 50 triệu đồng. Mình trở thành kẻ xấu trong mắt bà con. 50 triệu là một số tiền rất lớn không chỉ đối với chị mà còn đối với người dân nghèo của xã. Chị đã bán hết số gia súc và ruộng vườn trong gia đình nhưng cũng không đủ chi trả. Phiên tòa ngày 05/10/2004 đã kết tội chị “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với bản án 5 năm 3 tháng tù giam. Đây là cái giá phải trả cho những việc làm sai trái mà chị đã gây ra.
Chị Pur Pur Thị Phốn nhận giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh vì thành tích xuất sắc
trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tháng 06/2014.
Đến ngày 20/10/2004, phạm nhân Pur Pur Thị Phốn được đưa về trại giam A2, thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Nhớ lại khoảng thời gian đầu vừa suy sụp, vừa sợ sệt, nhưng được sự động viên, giáo dục của cán bộ quản giáo cũng như sự chia sẻ của các chị em trại viên, dần dần chị cũng ý thức được trách nhiệm lao động, cải tạo của bản thân. Chị ra sức phấn đấu, tham gia tích cực vào các hoạt động của trại dành cho phạm nhân và đã ghi nhận nhiều thành tích như: phạm nhân lao động giỏi, rèn luyện thể dục thể thao giỏi, làm báo tường đạt giải cao… Chị được Ban cán bộ trại giam tin tưởng giao trọng trách đội trưởng, hàng ngày điểm danh, báo cáo sỹ số, theo dõi việc thực hiện nội quy, quy định của các phạm nhân nữ. Chị tự hào kể, mặc dù hồi nhỏ không được đi học, biết đọc và biết viết là nhờ bạn bè chỉ dạy, nhưng với bản tính lanh lợi, chị dễ dàng học thuộc các nội quy, quy chế trong trại. Trước mặt chúng tôi, chị vừa đọc lại vanh vách, vừa cười vui khi nhắc lại những kỷ niệm ấy. Với những thành tích cải tạo trên, ngày 22/12/2008, chị được nhà nước xét duyệt đặc xá trở về trước thời hạn 1 năm. Chị Phốn nhớ như in ngày 19/01/2009 là ngày chị được ra trại
… Và nghị lực
Về đến nhà, bao cảm xúc tuôn trào, chị đã khóc đúng một ngày, một đêm như thể gặm nhấm lỗi lầm của mình để xóa hẳn nó đi, làm lại từ đầu. Việc đầu tiên chị nghĩ đến là cùng chồng, con gầy dựng lại kinh tế gia đình. Năm 2009, gia đình chị được chính quyền hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng. Số tiền này chị dùng để cải tạo, canh tác trên một sào đất rẫy và xoay sở mua thêm 4 con bò, 5 con dê. Đến nay, chị mở rộng diện tích canh tác để trồng bắp, chuối và làm thêm 4 sào ruộng chủ động nguồn lương thực cho gia đình. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia vào công tác vận động con em trong tộc họ không bỏ học, tích cực bài trừ những hủ tục lạc hậu – xây dựng gia đình văn hóa. Nói về những thành tích của chị Pur Pur Thị Phốn ở địa phương, ông Chamalea Cầm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phước Thành, huyện Bác Ái, cho biết: “Sau khi lao động cải tạo trở về, ngoài việc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của địa phương, gia đình chị Phốn được địa phương ghi nhận là một trong những gia đình nông dân sản xuất giỏi. Rồi từ gia đình, chị nhân rộng sự giúp đỡ ra bà con trong tộc họ. Có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hình thành mô hình tộc họ tự quản về ANTT ở xã Phước Thành”.
Dần dần chị lấy lại niềm tin, được bà con tín nhiệm bầu làm Phó Ban vận động xây dựng tộc họ tự quản về ANTT. Có người hỏi chị làm việc này tiền lương được bao nhiêu? nhưng chị cười rồi chỉ vào trán mình: - Lương tâm thôi, tôi làm việc là vì lương tâm của mình thôi!
Ngoài ra, chị còn làm tốt vai trò tổ viên tổ hòa giải cơ sở khi đứng ra hòa giải nhiều vụ việc phức tạp ở thôn và nhận giáo dục, giúp đỡ 2 đối tượng có hành vi đánh nhau gây rối, 2 đối tượng chấp hành án phạt tù về địa phương… đến nay đã tiến bộ, làm ăn lương thiện. Đồng chí Phạm Ngọc Sanh, trưởng Công an xã Phước Thành, cho biết: “Việc giáo dục các trường hợp thanh thiếu niên hư ở địa phương là rất khó. Một mặt, nhận thức của người dân còn yếu kém, mặt khác bà con có tập quán sinh sống ở miền núi nên mỗi khi có vụ việc xảy ra, các đối tượng bỏ trốn lên chòi rẫy trên núi rất khó tìm kiếm để vận động, giáo dục, nhưng chị Pur Pur Thị Phốn có nhiều cách riêng để giúp đỡ và vận động các đối tượng ấy, dần dà ANTT trong làng cũng ổn định hơn nhiều”. Điển hình là trường hợp “Đại ca Lực” được xưng danh là “đại ca của các đại ca”chuyên tụ tập đánh nhau, gây rối, công an xã rất khó tiếp cận giáo dục. Nhân dịp nhà có đám giỗ, chị Phốn nhờ Lực và các thanh niên khác đến nhà phụ giúp dựng rạp, làm giỗ, đồng thời tạo cớ thân thiết, khuyên bảo đối tượng. Đến nay, Lực đã chuyên tâm làm ăn, hết nhậu nhẹt, quậy phá.
Với những đóng góp của mình, chị Phốn đã được nhiều cấp, ngành trao tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ…
Trước khi chia tay, chị Phốn còn tiết lộ cho chúng tôi, sắp tới xã Phước Thành của chị sẽ tiếp tục ra mắt 3 tộc họ tự quản về ANTT. Chúng tôi hy vọng chị Phốn sẽ tiếp tục cống hiến sức mình, góp phần đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trên quê hương Bác Ái.
Hà Nguyễn