Trước tình hình đó, thời gian qua, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh ưu tiên triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đến người dân vùng đồng bào DTTS, nhờ đó, tình hình SKSS chị em ngày càng được cải thiện.
Cán bộ y tế chăm sóc bà mẹ sau sinh.
Bác sĩ Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Nhằm giúp người dân vùng DTTS ý thức việc chăm sóc SKSS, truyền thông được coi là giải pháp trọng tâm. Tùy theo đặc điểm, phong tục từng vùng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phù hợp bằng các hình ảnh sinh động, lời nói ngắn gọn dễ hiểu, như: treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức ngày hội dinh dưỡng, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của thôn, xã…Bên cạnh công tác tuyên truyền, Trung tâm chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS các tuyến cơ sở. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức 3 lớp tập huấn cô đỡ thôn bản, tập huấn kiến thức chăm sóc nuôi dưỡng trẻ cho đội ngũ y tế cơ sở. Thông qua mạng lưới y tế thôn bản các hoạt động tuyên truyền được triển khai có hiệu quả hơn. Tại cơ sở, cán bộ y tế thường xuyên đến trực tiếp các hộ dân, cấp phát thuốc, tiêm phòng các loại bệnh thường gặp trong độ tuổi sinh đẻ; tư vấn, giải đáp các thắc mắc của sản phụ. Trung tâm y tế các huyện phối hợp chặt chẽ với đội ngũ cô đỡ thôn bản tăng cường công tác quản lý thai nghén, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các bà mẹ mang thai ở các thôn cách xa trung tâm. Nhờ đó, chị em vùng đồng bào DTTS được tiếp cận kịp thời, đầy đủ các gọi dịch vụ chăm sóc SKSS, dần dần tự ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân. Từ đầu năm đến nay, đội ngũ cán bộ y tế tổ chức khám thai và tư vấn cho trên 1.000 phụ nữ có thai vùng đồng bào DTTS; phát hiện sớm và chuyển tuyến kịp thời trên 25 ca thai nghén có nguy cơ; chuyển tuyến kịp thời 70 ca; đội ngũ cô đỡ thôn bản tham gia đở đẻ trực tiếp cho 35 chị. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh thực hiện đầy đủ 3 gói dịch vụ: làm mẹ an toàn; phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và cung cấp gói phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản cho các chị em. Qua đó, tổ chức khám phụ khoa cho 1.646 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phát hiện và điều trị cho 894 phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản.
Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực của các cấp ngành, chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS tỉnh ta ngày càng được nâng cao, từng bước rút ngắn “khoảng cách” phát triển giữa các vùng miền, tạo đà thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Mỹ Dung