Năm 2011, sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm địa lý, Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, thầy Phan Hoài Thi về công tác tại Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Ninh Hải. Kể từ khi gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy đã dành trọn tâm huyết với nghề, đến với các em HS bằng tình yêu môn Địa lý. Phát huy khả năng về lĩnh vực công nghệ thông tin, thầy Thi tiên phong trong việc ứng dụng giáo án điện tử vào hoạt động giảng dạy theo hướng tích cực, lấy HS làm trung tâm. Để có thể “hoá giải” tính khô khan của môn học này, thầy dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu và sưu tầm các loại phim tài liệu, hình ảnh, biểu đồ, bản đồ… minh hoạ sinh động cho bài giảng. Nhờ đó HS dễ dàng tiếp thu kiến thức cơ bản, nhớ bài lâu, biết liên hệ bài học trên sách vở với những gì diễn ra trong thực tế.
Thầy Phan Hoài Thi, giáo viên Địa lý, Trường THPT Tôn Đức Thắng.
Nhằm nâng cao nhận thức cho HS về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, thầy Phan Hoài Thi còn khéo léo đưa vào giờ học Địa lý những thông tin thiết thực về tình hình thời sự trên biển Đông; lồng ghép tuyên truyền cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề biển, đảo…thu hút HS tham gia thảo luận. Kết quả giảng dạy ở các lớp cho thấy, chất lượng giáo dục môn Địa lý được nâng lên rõ rệt, các em tìm thấy hứng thú trong học tập và biết trân trọng hơn giá trị của môn học trong đời sống.
Qua trò chuyện chúng tôi được biết, thầy Phan Hoài Thi tham gia phong trào thanh-thiếu nhi từ nhỏ, bản thân từng rèn luyện qua nhiều chương trình tình nguyện vì cộng đồng. Vì thế, thầy rất coi trọng giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho HS, mong muốn các em hoàn thiện nhân cách và trưởng thành hơn ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thầy là tác giả của sáng kiến kinh nghiệm “Lồng ghép giáo dục KNS cho HS trong tiết sinh hoạt lớp”, trong đó đổi mới giờ sinh hoạt lớp bằng cách tổ chức các trò chơi mang tính trí tuệ, đan xen các bài giảng bổ ích về kỹ năng “mềm”. HS sẽ từng bước làm quen và thực hành các KNS, bắt đầu từ những kỹ năng đơn giản, như: tự tin nói trước đám đông, quản lý cảm xúc hay giải quyết vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Đến với học trò như một người bạn đồng hành, thầy ân cần quan tâm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em, sẵn sàng chia sẻ vốn hiểu biết và trải nghiệm của chính mình. Qua bài học KNS, các lớp từng được thầy chủ nhiệm đều có bước tiến bộ vượt bậc. Đơn cử như lớp 11A1, 12A3, từ những lớp thụ động với hầu hết hoạt động đã vượt lên dẫn đầu toàn trường trong các phong trào thi đua. Hay câu chuyện về em Văn Minh Đại, ở lớp 11A2, từ HS có hạnh kiểm yếu, từng bị kỷ luật đuổi học vì tội đánh nhau lại trở thành cây văn nghệ tích cực nhất của nhà trường, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Và còn rất nhiều “kỳ tích” đã đến với những HS “chưa ngoan” nhờ phương pháp giáo dục của thầy giáo trẻ qua bài học về KNS.
Thầy Hoàng Văn Tý, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng cho biết: Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy Phan Hoài Thi còn là Bí thư Đoàn trường sôi nổi, cống hiến hết mình cho các hoạt động phong trào và nhiệt tình tham gia công tác nhân đạo, từ thiện. Năm 2014, thầy giáo Thi đoạt giải nhất Hội thi Báo cáo viên Đoàn-Hội giỏi do huyện Ninh Hải tổ chức.
Trang Nhung