Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học. Người dân Việt Nam vốn có tinh thần hiếu học và rất biết ơn người có công dạy dỗ, cho nên mới có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Lịch sử đã vinh danh những người thầy xuất sắc như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành… những người thầy được nhiều thế hệ học trò yêu quý và cả dân tộc kính trọng. Những người thầy đó đã để lại những tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo bao thế hệ học trò, con em nhân dân phò đời giúp nước, làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Học viên Trung tâm GDTX tỉnh tặng hoa chúc mừng Thầy giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ảnh: Sơn Ngọc
Ngày nay, nhà giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, nghề giáo được đánh giá là “Nghề cao quí nhất trong tất cả các nghề cao quí” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói. Những năm qua, lớp lớp các nhà giáo đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Các thầy, cô giáo dù đã được tặng danh hiệu cao quý hay chưa được tặng, tất cả đều đã và đang âm thầm truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất, giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh…dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống. Thật trân quý biết bao khi nhiều người thầy vẫn lặng lẽ, tận tụy, miệt mài như người “chèo đò đưa khách qua sông” mà không nề hà khó khăn hay gian khổ, ngay cả việc “bám trụ” nhiều năm để “cõng chữ” lên miền núi, vùng sâu vùng xa chỉ với mong muốn đem “ánh sáng” tri thức truyền thụ cho học sinh thân yêu vốn dĩ đã chịu nhiều thiệt thòi so với vùng đồng bằng...
Trên thực tế, tuy vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đây đó còn có những điều đáng phải bàn như bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò thì vẫn có những học sinh đã xúc phạm, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải; hay vẫn còn những người thầy chưa thật sự mẫu mực, chưa là “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo…nhưng dù sao đây cũng chỉ là thiểu số mà thôi. Trong năm học vừa qua, Báo Ninh Thuận đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi viết rất có ý nghĩa với chủ đề: “Người thầy trong tôi”. Cuộc thi đã có sức lan tỏa sâu rộng với trên 2.500 bài viết của giáo viên trong và ngoài tỉnh, học sinh, sinh viên các cấp học, bậc học tham gia. Tuy mỗi bài viết thể hiện các cung bậc tình cảm khác nhau nhưng tựu trung lại hình ảnh người thầy luôn được khắc sâu và tỏa sáng trong tâm khảm các thế hệ học trò. Điều đó đã thêm một lần khẳng định truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn trường tồn với thời gian. Có nhà giáo đã ví von: So với các nghề khác, nghề giáo tuy có thu nhập thấp hơn, song họ luôn tự nhận mình là người giàu có nhất: giàu tình cảm, giàu sự yêu thương, kính trọng của học trò và sự tin tưởng của phụ huynh.
Một nhà giáo, nhà thơ đã viết rất hay rằng: “Đạo đức và tình nghĩa, chỉ mấy chữ tưởng chừng khô khan ấy mà thế hệ này đến thế hệ khác thay nhau giữ gìn như giữ vàng mười của phẩm giá, của lối sống, của đạo lý dân tộc. Không còn đạo đức, không còn tình nghĩa, thì dù có sống với nền văn minh vật chất nào, con người cũng chỉ là bầy-thú-giàu-sang mà thôi”.
Ngày 20 tháng 11 đã đến, một ngày như bao ngày nhưng lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bởi đây không chỉ là ngày Hội của các thầy, cô giáo, là ngày mà vẻ đẹp của các “kỹ sư tâm hồn” được tôn vinh… mà còn là ngày để các thế hệ học trò thể hiện rõ nhất truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Với ý nghĩa ấy, mỗi người chúng ta hãy dành những đóa hoa tươi thắm nhất cùng lời chúc các nhà giáo sức khỏe, hạnh phúc, mãi mãi yêu thương và dìu dắt học sinh từng bước trưởng thành, làm người hữu ích cho xã hội hôm nay và mai sau.
Tuấn Dũng