Ninh Hải: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

(NTO) Sau gần 4 năm triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đến nay, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Ninh Hải có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hàng ngàn lao động.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Ninh Hải, cho biết: Từ thực tế về nhu cầu lao động, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, từ năm 2010 đến nay, bên cạnh việc tạo điều kiện để người dân vay vốn từ các ngân hàng, đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi; huyện còn phối hợp với các trung tâm, trường dạy nghề trong tỉnh mở 84 lớp đào tạo nghề cho trên 2.700 lao động, bao gồm các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như: kỹ thuật trồng hành tỏi, nho, rong sụn, thanh long ruột đỏ, nấm rơm; kỹ thuật trồng rau an toàn, sản xuất lúa giống; kỹ thuật chế biến hải sản; lớp thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng; lái ô-tô; may công nghiệp; lắp ráp, sửa chữa máy vi tính; hướng dẫn viên du lịch; nghiệp vụ bếp… Qua đó, góp phần trang bị cho người lao động một nghề vững chắc, có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.

 
Chăm sóc hành tím tại huyện Ninh Hải.

Thông qua các lớp đào tạo, nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện Ninh Hải đã tìm kiếm được việc làm phù hợp, giải quyết được tình trạng thất nghiệp tại địa phương. Một số sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế khá. Điển hình như chị Tô Trần Bích Thảo (ở thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải) trồng 2 sào măng tây xanh, cho thu nhập mỗi tháng trên 15 triệu đồng; anh Lương Ngọc Hưng, một trong những nông hộ tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Hộ Hải, có thu nhập mỗi tháng trên 4,5 triệu đồng nhờ canh tác 2 sào rau an toàn các loại; chị Phạm Thị Năm cùng 26 lao động thôn Mỹ Tân 1, 2 (xã Thanh Hải) góp vốn thành lập Tổ dịch vụ nấu ăn, mỗi tháng nhận phục vụ từ 10-20 đám cưới, đám tiệc, cho thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng…; mô hình sản xuất nho an toàn theo hướng VietGAP tại xã Nhơn Hải giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, thuốc bảo vệ thực vật, tăng 25% năng suất, 30% lợi nhuận/ha; mô hình trình diễn lúa nước, nuôi dê, bò sinh sản… tại 2 thôn Cầu Gãy, Đá Hang (Vĩnh Hải) giúp bà con dân tộc Raglai trên địa bàn huyện từng bước ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Song song với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được huyện quan tâm chú trọng. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã tạo điều kiện cho 157 hộ vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 2,9 tỷ đồng; cho hàng ngàn lao động vay vốn theo chương trình ủy thác từ các hội, đoàn thể với số tiền trên 184,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, lao động tại địa phương có điều kiện mua sắm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, cải hoán tàu thuyền nâng cao năng lực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản… Riêng các học viên học nghề phi nông nghiệp, huyện phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo, tuyển dụng lao động sau tốt nghiệp. Bằng hướng đi này, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện giải quyết việc làm cho trên 14.800 lao động. Riêng 9 tháng năm 2014 là 3.045 lao động, đạt 101,5% kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm: Trong thời gan tới, để công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, huyện tiếp tục tuyên truyền thay đổi nhận thức, vận động nhân dân tham gia các lớp đào tạo nghề, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2014. Tham mưu UBND huyện, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu, số lượng lao động, định hướng đào tạo nghề năm 2015 theo hướng phù hợp. Đồng thời, tạo mối quan hệ chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đảm bảo đầu ra cho người lao động sau đào tạo…