Không dán hình vào thẻ
Hiện nay, hầu hết các thẻ BHYT đang dùng đều không có hình. Để chứng minh đó là thẻ của mình, bệnh nhân phải kèm theo giấy tờ có hình cá nhân như Chứng minh nhân dân, thẻ học sinh, sinh viên... Trên thực tế, mẫu thẻ BHYT đều có khung để dán ảnh, nhưng khi phát hành đến các cá nhân, đơn vị, mọi người thường không chú ý dán ảnh. Cũng có bệnh nhân sau khi nhận thẻ, tự dán ảnh mình vào nhưng lại thiếu dấu đóng nên không hợp lệ, không được các đơn vị khám, chữa bệnh chấp nhận.
Cán bộ Trạm Y tế xã Lâm Sơn khám bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT.Ảnh: Thanh Long
Tên và ngày, tháng, năm sinh sai lệch
Theo Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, những trường hợp có sai sót về thông tin ghi trên thẻ BHYT, để được thanh toán BHYT theo đúng chế độ, người dân cần thực hiện như sau:
- Đối với bệnh nhân vào điều trị nội trú, người bệnh đề nghị với giám định viên thường trực tại bệnh viện hoặc liên hệ trực tiếp với BHXH tỉnh nơi phát hành thẻ để đề nghị kiểm tra, xác nhận làm căn cứ giải quyết ngay trong đợt điều trị tại bệnh viện.
- Trường hợp khám, chữa bệnh ngoại trú hoặc không đủ căn cứ giải quyết ngay trong đợt điều trị thì người bệnh tự trả tiền viện phí, sau đó mang đầy đủ hóa đơn, chứng từ thu viện phí đến cơ quan BHXH nơi cư trú để đề nghị xem xét thanh toán trực tiếp lại theo quy định.
- Khi phát hiện có sai sót về các dữ liệu ghi trên thẻ BHYT so với giấy tờ gốc (chứng minh nhân dân), người có thẻ BHYT đến cơ quan BHXH nơi cư trú để được hướng dẫn làm các thủ tục sửa đổi theo quy định.
Như vậy khi có sai sót, muốn được thanh toán viện phí, bệnh nhân sẽ phải lòng vòng nhiều nơi rất mất thời gian. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đến Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh, nơi có số lượng lớn bệnh nhân khám và điều trị bệnh về mắt. Theo số liệu của Trung tâm, từ đầu năm đến nay có 12.608 lượt khám tại Trung tâm, trong đó có 7.633 trường hợp khám BHYT, riêng bệnh nhân đồng bào dân tộc Raglai có từ 110 đến 120 người, và trong số này có trên 30 trường hợp có sai lệnh về tên, năm sinh so với CMND. Tìm hiểu thêm về khám, điều trị mắt cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tại Trung tâm Chuyên khoa Mắt, nhờ có nguồn vốn tài trợ từ các dự án như FHF, APPA, Quỹ Vì người nghèo mà Trung tâm đã chuyển sang chế độ mổ miễn phí. Đây là sự linh hoạt của Trung tâm nhằm khắc phục các trường hợp bất cập nói trên, nhờ thế đã giúp bệnh nhân không phải mất thêm thời gian đi lại và yên tâm chữa trị.
Thực trạng trên đang đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng. Thiết nghĩ, để BHYT thực sự đi vào người dân, nên chăng cần khắc phục các thủ tục rườm rà. Bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám, điều trị bệnh phải luôn được tiếp đón niềm nở, mọi sai sót trên thẻ mà không phải do họ gây ra, thì cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm, tránh tình trạng bắt bệnh nhân phải chạy lòng vòng mới thanh toán theo chế độ BHYT.
Ngọc Tuyền