Cấp dưỡng-mới nghe qua ai cũng tưởng chừng là đơn giản, nhưng khi thực sự chứng kiến những công việc hằng ngày của các chị, chúng tôi mới thấu hiểu hết những nỗi khó khăn, vất vả. Thầy giáo Đinh Văn Tồn, Hiệu trưởng nhà trường đưa chúng tôi bếp ăn tập thể rộng chưa đầy 100 m2, là nơi phục vụ ăn uống cho gần 400 học sinh và cũng là nơi làm việc của 9 nhân viên cấp dưỡng. Chẳng ai bảo ai, mỗi người một việc, người nhóm lửa, người sơ chế thực phẩm, người nấu nướng. Bếp lò được chia làm 2 dãy, với 6 cái nồi to bằng gang, 3 cái dùng để nấu cơm, 3 cái còn lại dùng để chế biến thức ăn. Do nấu bằng bếp củi nên khói hun ngộp, lan tỏa khắp cả nhà ăn, khiến mắt ai cũng bị cay xè.
Chị Kator Thị Hạnh phục vụ đồ ăn cho các em học sinh.
Được biết, từ 6 giờ sáng các chị đã có mặt tại trường để quét dọn, lau chùi nhà bếp, tiếp nhận thực phẩm để chế biến trong ngày. Thực đơn cho bữa trưa hôm nay gồm 3 món: canh chua cá, thịt xào rau cải và rau xào. Nhưng, công việc được các chị ưu tiên hơn cả vẫn là nấu cơm, vì nấu nồi rất to, mỗi nồi từ 23-25 kg gạo, tốn rất nhiều thời gian, nếu canh lửa không khéo cơm có thể bị cháy hoặc khê. Đến hơn 10 giờ thì việc chế biến thức ăn đã hoàn tất, lúc này một nhóm phụ trách múc thức ăn vào những chiếc xoong nhỏ, chia đều ra mỗi bàn. Nhóm còn lại tranh thủ rửa những chiếc nồi để chuẩn bị nấu cơm dành cho buổi chiều. Chị Chamaléa Thị Nuống, Tổ trưởng tổ bếp cho biết: Vì phòng ăn không đủ sức chứa, nên bữa ăn của học sinh được chia thành 2 ca. Mỗi em đều có chén đũa riêng, nên sau mỗi bữa cơm chúng tôi chỉ quét dọn và rửa những cái xoong. Đến hơn 11 giờ 30 mọi việc mới xong, chúng tôi tranh thủ chạy về nhà lo cơm nước cho gia đình và khoảng 13 giờ 30 thì quay lại trường để tiếp tục nấu bữa cơm chiều. Khi các em ăn cơm xong, dọn dẹp đến gần 6 giờ chiều mới về nhà.
Mỗi ngày phải làm việc cật lực, liên tục gần 10 tiếng đồng hồ, thế nhưng đồng lương các chị nhận được lại quá ít ỏi. Lương mỗi tháng chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/người, mặc dù đã hơn 3 năm thâm niên, ngoài ra không có bất kỳ phụ cấp nào. Thầy giáo Đinh Văn Tồn chia sẻ: Đội ngũ nhân viên cấp dưỡng của trường đa phần là người địa phương. Công việc hằng ngày khá vất vả, đồng lương lại quá thấp không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, hiểu được đời sống khó khăn của các chị, nên chúng tôi rất cảm thông và cũng đang xin cấp trên định mức biên chế cho các chị theo chế độ 116, thuộc vùng đặc biệt khó khăn, để mỗi chị được cải thiện thêm phần nào.
Dường như những vất vả, nhọc nhằn chẳng hề làm các chị nản lòng. Bởi các chị luôn cảm thấy hạnh phúc và ấm lòng khi mỗi ngày được nhìn các em học sinh ngồi ăn cơm vui vẻ, ngon miệng. Mong sao “nghề” cấp dưỡng ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp, các ngành, để chị em yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Diễm Trang