Tinh xảo nghề đan mây tre

(NTO) Ít ai ngờ ở phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) có nhiều gia đình sinh sống từ nghề đan mây tre truyền thống. Những sản phẩm tinh xảo của họ thiết thực phục vụ mùa màng của bà con nông dân, đồng thời góp phần tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa đồng bào Chăm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Chúng tôi tìm gặp anh Lê Văn Phúc ở phường Đài Sơn là một trong những người thợ gắn bó với nghề đan mây tre cha truyền con nối. Anh đang tỉ mỉ hoàn thành công đoạn trang trí những chiếc lồng bàn tre kịp giao hàng đúng hẹn cho bà con làng Tuấn Tú. Trên bộ ngựa giữa sân chất đầy những chiếc lồng bàn tre đan hoa văn tinh xảo, trang trí màu sắc tươi đẹp. Anh Phúc cho biết, trước năm 1975 ở Đài Sơn có hơn 30 gia đình gốc gát từ các tỉnh miền Trung vô Ninh Thuận lập nghiệp hình thành xóm Thợ Đan. Sản phẩm nia, thúng, rổ, sàng… đan bằng mây tre bền chắc được đưa đến bán các vùng nông thôn.

 
Công đoạn hoàn thiện sản phẩm lồng bàn tre.

Khi các sản phẩm nhôm nhựa tiện dụng giá rẻ phổ biến thì nghề mây tre đan cũng dần mai một. Những người thợ đan mây tre không sống nổi với nghề đã làm việc khác mưu sinh. Hiện nay, ở phường Đài Sơn còn ba gia đình duy trì nghề đan mây tre là Lê Văn Phúc, Lê Duy Cường, Lê Đình Tân. Ngoài các sản phẩm mây tre truyền thống, những người thợ còn đan lồng bàn tre, hộp đựng trầu có nhiều hoa văn. Sản phẩm đòi hỏi sự tinh xảo của người thợ trong từng đường nan phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng đồng bào Chăm. Để hoàn thành một chiếc lồng bàn tre, hộp đựng trầu phải mất khoảng ba ngày, từ ra nan đến đan mê, lận vành, trang trí màu sắc. Người thợ đan đưa sản phẩm đến nhà giao cho khách với giá 350- 400 ngàn đồng/chiếc. Bà con ở các làng Chăm thuộc huyện Tuy Phong, Bắc Bình “alô” đặt hàng và nhận sản phẩm gởi qua xe đò tuyến Phan Rang- Phan Thiết.

Nhờ chí thú giữ nghề đan sản phẩm truyền thống kết hợp sản xuất mặt hàng mới mang tính mỹ thuật cao nên cũng đảm bảo đời sống hàng ngày của người thợ đan. Vợ chồng anh Lê Văn Phúc là những người đan lát mây tre tinh xảo, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Nghề mây tre đan đòi hỏi tính kiên trì chịu khó và lòng đam mê của người thợ. Nhờ bà con đồng bào Chăm đặt hàng các vật dụng mây tre phục vụ lễ nghi nên gia đình có thêm nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống. Vợ chồng tôi và anh em bạn nghề luôn tâm niệm giữ chữ tín với khách hàng, bảo đảm sản phẩm chắc, bền, đẹp”, anh Lê Văn Phúc bộc bạch niềm vui.