(Ảnh: TTXVN)
Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng cơ sở
Chiều ngày 11/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục phiên thảo luận về “Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng cơ sở”.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối toàn diện đối với tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh kết nối hàng hải và hàng không, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng và tinh thần cộng đồng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những thành quả mà các thành viên APEC đã đạt được về hợp tác tăng cường kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư (PPP) về hạ tầng cơ sở thông qua các sáng kiến trong khuôn khổ APEC.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, những thành tựu nổi bật của APEC trong hơn hai thập kỷ qua về việc hình thành một mạng lưới hợp tác và liên kết đa tầng nấc, từ cấp tiểu vùng, khu vực đến cả châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn.
Chủ tịch nước hoan nghênh và ủng hộ Kế hoạch tổng thể kết nối APEC giai đoạn 2015-2025 và những quyết định quan trọng nhằm tăng cường kết nối, đặc biệt là phát triển hạ tầng cơ sở giữa các thành viên APEC. Chủ tịch nước nhất trí cần sớm cùng nỗ lực huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, thông qua các cơ chế hợp tác minh bạch và vì mục tiêu phát triển.
Để kết nối khu vực toàn diện, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên cần chú trọng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo, tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp... Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề thiết yếu là cần gắn kết các khuôn khổ kết nối ở mọi tầng nấc của khu vực, bảo đảm tính bổ trợ, phối hợp trong đề xuất và triển khai các sáng kiến của các khuôn khổ này.
Chủ tịch nước nhấn mạnh “Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN” cùng các dự án kết nối hạ tầng cơ sở ở ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong mà các thành viên ASEAN đang triển khai mạnh mẽ có thể được coi là một hạt nhân thúc đẩy kết nối ở châu Á-Thái Bình Dương. Kết nối khu vực cùng tăng trưởng kinh tế và giảm khoảng cách phát triển là những nội hàm then chốt của một Cộng đồng ASEAN tự cường, hài hòa và gắn kết.
Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh triển vọng về sự thịnh vượng chung của APEC sẽ phụ thuộc vào phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng ở khu vực, và châu Á-Thái Bình Dương đang ở giai đoạn then chốt của quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế. Các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và nâng cấp các ngành truyền thống, khai thác những tiềm năng tăng trưởng kinh tế mới, như kinh tế xanh, kinh tế biển, kinh tế mạng, phát triển nguồn nhân lực, tránh bẫy thu nhập trung bình...
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết đẩy nhanh tốc độ cải cách và sáng tạo, và cùng nỗ lực nâng cao vị thế của châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong bối cảnh hệ lụy của khủng hoảng tài chính còn tác động sâu sắc, phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, phát triển sáng tạo và cải cách cần gắn với các nỗ lực phát triển bền vững, giảm khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ “Lộ trình an ninh lương thực của APEC đến 2020”, vì an ninh lương thực là một trong những thách thức của nhân loại trong thế kỷ 21.
Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị cần coi trọng thỏa đáng mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa an ninh lương thực với an ninh nguồn nước; cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trao đổi và ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái, và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại cho các sản phẩm lương thực nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân.
Chủ tịch nước cho rằng, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới, trong đó hợp tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác ngư nghiệp, ứng dụng khoa học-công nghệ... là những nội hàm không thể thiếu. Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực.
Chủ tịch nước đề nghị, quá trình triển khai hợp tác cần theo hướng tiếp cận tổng hợp, đa ngành, bảo đảm được yếu tố cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội với quản lý và bảo tồn nguồn lợi hệ sinh thái biển, ven biển bền vững và bảo đảm bình đẳng xã hội, sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Chủ tịch nước khẳng định, với quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, Việt Nam đang triển khai mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.
Thông qua 2 tuyên bố và 4 văn kiện
Kết thúc, Hội nghị đã thông qua 2 Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương”, cùng 4 văn kiện kèm theo về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương - FTAAP”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015 - 2025”.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 đã kết thúc tốt đẹp, chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối, góp phần nâng cao vị thế của APEC và duy trì vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại Philippines vào năm 2015.
Nguồn www.chinhphu.vn