Cụ thể phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp, đa số ý kiến đồng tình với Điều 10 của dự thảo Luật đã cụ thể hóa những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư cụ thể trên cơ sở Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Phạm vi còn rộng và chưa cụ thể, khó xác định được giới hạn danh mục ngành cần đầu tư vốn, tạo động lực cho các ngành, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định xã hội, kinh tế nhà nước. Do đó, cần quy định rõ hơn các ngành nghề, lĩnh vực mà nhà nước phải đầu tư 100% vốn, những ngành nhà nước tham gia góp vốn nhưng tỷ lệ vốn góp phải đạt tỷ lệ chi phối hoạt động của doanh nghiệp (DN); các lĩnh vực nhà nước không cần đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa của nhà nước tại DN.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng). (Ảnh: TTXVN)
Đánh giá cao vai trò của DN nhà nước trong thực hiện 4 chức năng đã được quy định, nhưng theo ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), muốn thực hiện tốt các chức năng này, hoạt động của DN phải gắn với kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội. Do đó, Luật nên có chế định mở để trong tương lai, Quốc hội sẽ quyết định hoạt động của một số tập đoàn lớn, chứ không thụ động như hiện nay, ĐB Trần Du Lịch đề nghị.
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), quy định ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp còn mang tính định lượng: “Như thế nào là DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước?”. Để tránh vận dụng sau này cái gì cũng “thiết yếu, độc quyền” thì ngay từ bây giờ phải có định hướng, không định hướng được thì cũng phải định tính căn bản để các văn bản dưới không thể đi “chệch”.
Kiểm soát nghiêm ngặt việc đầu tư vốn của doanh nghiệp ra nước ngoài
Theo dự thảo Luật, việc sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư sau khi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhiều ý kiến đề nghị kiểm soát nghiêm ngặt việc đầu tư vốn của doanh nghiệp ra nước ngoài vì hoạt động này có nhiều rủi ro.
Theo ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên), một số quy định liên quan đến việc đầu tư ra nước ngoài trong dự thảo Luật chưa chặt, chưa rõ có thể dẫn tới thất thoát... Dẫn chứng quy định tại khoản 3 Điều 29: “Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư ra nước ngoài...”, ĐB Nhã cho rằng: Quy định như trên dễ dẫn đến sơ hở, chưa rõ chủ sở hữu là ai? Phải coi đây là khoản chi đầu tư phát triển của ngân sách, thẩm quyền quyết định cao nhất là Quốc hội rồi tiếp đến là Thủ tướng Chính phủ. “Đầu tư ra nước ngoài là dùng tiền của dân để đầu tư, vì vậy cần quy định thận trọng, chặt chẽ hơn”, ĐB Nhã nói.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị: Tạo môi trường hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa cho DN để đảm bảo quyền tự chủ, tự quyết của DN đã được Hiến pháp quy định. Nên quy định theo hướng loại hình DN nào được đầu tư ra NN, DN nào không?
Giám sát việc đầu tư, hoạt động sử dụng vốn của DN nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN ở nước ta, đề nghị quy định rõ hơn, xây dựng cơ chế nhằm công khai minh bạch đối với chủ sở hữu DN, cơ quan nhà nước.
Vấn đề xác định rõ trách nhiệm của người đại diện, người quản lý DN để tránh thất thoát vốn Nhà nước ở các DN là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phản ánh: Bao nhiêu tập đoàn, DNNN gây thất thoát, lãng phí, nhưng không ai chịu trách nhiệm?.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Cần quy định ngay trong Luật, nếu gây hậu quả thì phải bồi thường, hoàn trả thiệt hại, tài sản chiếm đoạt trái phép.
Đề cập đến hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN, trong đó có hành vi: “Giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật” (Điểm 5 Điều 9), ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Quy định như vậy là không phù hợp và thực tế. Qua đi giám sát, thanh tra, các DN cũng kêu ca thanh kiểm tra nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Nhưng nếu sợ không thanh kiểm tra thì đồng vốn Nhà nước mất còn nguy hiểm hơn, do đó nên quy định cụ thể hơn: “Việc thanh kiểm tra, giám sát không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN”...
Điều 10: Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp
1.Đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp thuộc phạm vi sau đây:
a) Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội;
b) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh;
c) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước;
d) Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
2.Doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ điều tiết kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước được thực hiện theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước và được hạch toán theo cơ chế thị trường.
3.Chính phủ quy định chi tiết phạm vi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, cơ chế đặt hàng và hạch toán của doanh nghiệp.
(Trích dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh)
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam