Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 22 diễn ra từ 5-11/11 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương”, hội nghị sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề gồm kết nối; hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); các nội dung hợp tác kinh tế-thương mại mới.
Dự hội nghị, ngoài các nguyên thủ và quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên, còn có hơn 1.500 doanh nhân đến từ 500 doanh nghiệp thuộc 20 nền kinh tế thành viên, 16 quốc gia và khu vực khác... Đặc biệt, trong số này, có sự góp mặt của 130 doanh nghiệp thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Sự có mặt của các nhà lãnh đạo, cùng các doanh nghiệp hàng đầu là cơ hội để 21 nền kinh tế thành viên APEC nói chung, Việt Nam và 20 thành viên khác nói riêng, tăng cường kết nối, đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư trong thời gian tới.
Thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam với các thành viên APEC đã không ngừng được đẩy mạnh trong thời gian qua.
Trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, 9 nhà đầu tư hàng đầu đều là các thành viên APEC. Đó là Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đến hết tháng 9/2014 là trên 36,3 tỷ USD; Hàn Quốc, 33,4 tỷ USD; Singapore, 31 tỷ USD; Đài Loan, 28 tỷ USD; Hồng Kông, 13,98 tỷ USD; Hoa Kỳ, 10,9 tỷ USD; Malaysia, 10,66 tỷ USD; Trung Quốc, 7,9 tỷ USD và Thái Lan, 6,63 tỷ USD.
Nếu tính tổng vốn FDI mà 20 thành viên APEC đã đầu tư vào Việt Nam, thì con số này lên tới 189,5 tỷ USD, chiếm trên 78% tổng vốn FDI (241,6 tỷ USD) đăng ký vào Việt Nam.
Tỷ lệ này cho thấy tầm quan trọng trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC.
Không chỉ đứng đầu về số vốn, rất nhiều dự án FDI quy mô lớn của các thành viên APEC đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chẳng hạn, các dự án của các “đại gia” Samsung (Hàn Quốc), Intel (Mỹ), Honda (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore)… Các tên tuổi lớn của các nền kinh tế thành viên APEC đều đã và đang đầu tư tại Việt Nam.
Sau 25 thu hút FDI, Việt Nam đang hướng mạnh đến nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn này, với một trong những mục tiêu hàng đầu là thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia. Sự có mặt của 1.000 doanh nghiệp các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có 130 doanh nghiệp thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, có thể nói là cơ hội rất lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư.
Không chỉ là đầu tư, đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường hợp tác thương mại, khi nhiều thành viên APEC, như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đều là các bạn hàng lớn của Việt Nam. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay, thương mại song phương Việt - Trung đạt trên 42,3 tỷ USD; con số này với Hoa Kỳ là 25,5 tỷ USD và với Hàn Quốc là 20,9 tỷ USD.
Nguồn www.chinhphu.vn