Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê-tông vừa hoàn thành, ngắm nhìn những ngôi nhà mới khang trang, ông Đàng Trung Lụm, Trưởng thôn Tân Bổn phấn khởi cho biết: “Thời gian qua, người dân trong thôn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mở rộng các loại kinh doanh dịch vụ, nhờ đó đời sống nhân dân từng bước ổn định. Đến nay, 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn, trên 90% hộ dân sử dụng nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn giảm còn 5%.
Thôn văn hóa Tân Bổn đang từng ngày khởi sắc.
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhân dân trong thôn phát huy tốt mối đoàn kết nội bộ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Trong thôn thành lập tổ an ninh xung kích gồm 7 thành viên thay phiên nhau tuần tra. Nhờ vậy, tình hình an ninh thôn xóm được giữ vững. Thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh Ban Công tác Mặt trận thôn trực tiếp đến từng hộ dân, vận động ký cam kết không nuôi heo thả rong, đổ rác đúng nơi quy định, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc quy ước của thôn, đơn giản hóa việc cưới hỏi, tổ chức lễ tang, lễ hội…Đặc biệt, các hội viên trong Chi hội phụ nữ luôn tích cực tham gia Câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, giữ gìn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm, Ban quản lý thôn thành lập đội văn nghệ gồm 7 thành viên tự sưu tầm những bài hát, điệu múa độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm và biểu diễn trong các dịp lễ, hội. Nhằm động viên kịp thời các em học sinh chăm ngoan, học giỏi, Ban công tác Mặt trận thôn duy trì quỹ khuyến học, khuyến tài với tổng số tiền 5,5 triệu đồng để khen thưởng học sinh-sinh viên có thành tích trong học tập. Nhiều năm liền, trong thôn không có tình trạng học sinh bỏ học, 98% học sinh tốt nghiệp THPT, gần 30 sinh viên đỗ Đại học, Cao đẳng. Đều đặn hàng tháng, các tộc họ tự quản tổ chức họp, gặp mặt, vận động con cháu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, không vi phạm tệ nạn xã hội. Đơn cử như tộc họ tự quản Ma Vớ hoạt động hiệu quả.
Thực hiện truyền thống “tương thân tương ái” Ban Công tác Mặt trận tích cực vận động nhân dân đóng góp 2,5 triệu vào nguồn “Quỹ Vì người nghèo”. Thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần hai cụ già neo đơn trong thôn, tranh thủ các nguồn hỗ trợ ưu tiên giúp đỡ các cụ vượt qua khó khăn. Đặc biệt, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, nhân dân trong thôn đóng góp gần 50 triệu đồng bê-tông 2 tuyến đường nội thôn, với chiều dài 850m, nâng tỷ lệ đường nội thôn được bê-tông hóa đạt trên 50%. Với những nỗ lực đó, cuối năm 2013, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn thôn đạt 65%; giữ vững danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện trong 3 năm liền.
Đồng chí Lê Xuân Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phước Ninh nhận xét: Nhờ đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, tình làng nghĩa xóm trong thôn được gắn kết, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của địa phương. Tin rằng với sự đồng thuận của nhân dân và lòng nhiệt tình, nỗ lực của Ban Công tác Mặt trận, bộ mặt nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc.
Mỹ Dung