Trước đây, Xóm Bằng chỉ có 1 thôn, với dân số gần 3.000 người, do điều kiện tự nhiên, địa hình đồi dốc và khí hậu khắc nghiệt nên sản xuất và đời sống bà con luôn gặp khó khăn. Thực hiện chính sách di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, 70 hộ (270 khẩu) ở Xóm Bằng được dời ra khu vực ngày nay và từ năm 2010 chính thức chia tách, hình thành thôn Xóm Bằng 2, còn thôn cũ gọi là Xóm Bằng 1. Những hộ dân trong dự án định canh, định cư được Nhà nước xây dựng cho mỗi hộ một căn nhà, với diện tích 31,32m2 (kinh phí 29 triệu đồng/căn). Nhằm ổn định, nâng cao đời sống và tạo điều kiện sản xuất cho thôn Xóm Bằng 2, xã Bắc Sơn đã bố trí diện tích 17,5 ha từ đất dự phòng để cấp cho hộ dân canh tác lúa (bình quân mỗi hộ nhận 2,5 sào), ổn định từ 1-2 vụ/năm. Theo anh Thuận SaPa, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Thuận Bắc, trong 2 năm đầu về định cư tại nơi ở mới, UBND huyện đã chú ý định canh bằng việc hỗ trợ 100% giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu cho bà con sản xuất. Phần UBND xã Bắc Sơn đã phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn bà con về công tác khuyến nông, cách làm đất để bà con từng bước tiếp cận kỹ thuật thâm canh lúa nước và chăn nuôi.
Những ngôi nhà trong dự án định canh, định cư được Nhà nước đầu tư xây dựng.
Qua 4 năm thực hiện dự án định canh, định cư, nhìn chung đời sống của người dân thôn Xóm Bằng 2 từng bước được ổn định, phát triển về mọi mặt. Sự đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, nước sinh hoạt, đường nội thôn, trạm xá, trường Mẫu giáo, nhà cộng đồng đã tạo ra bộ bặt nông thôn khang trang, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững. Anh Mang Tình, Trưởng thôn Xóm Bằng 2 cho biết: “Ở đây nhà ai cũng có đồng hồ điện riêng và có hệ thống nước máy dẫn vào sử dụng quanh năm rất thuận tiện cho sinh hoạt”. Trước kia khi chưa ra vùng định cư mới, anh Tình ở nhà vách đất chật hẹp, việc mưu sinh chỉ có hơn 4 sào rẫy ở núi xa phụ thuộc nước trời thu hoạch bấp bênh. Nay ngoài ruộng lúa được chia 2,5 sào, anh còn được Nhà nước hỗ trợ máy cày tay để giúp người dân cùng thôn trong khâu cày ải, làm đất. Chị Thị Anh, cư dân trong thôn xúc động nói: “Nếu không có chính sách Nhà nước, gia đình tôi không biết bao giờ mới có nổi cái nhà, trước có biết làm ruộng đâu, bây giờ nhờ Nhà nước mà tôi đã trồng được lúa nước”. Công bằng mà nói, cuộc sống người dân Xóm Bằng 2 chưa phải đã hết cơ cực, nhưng so với ngày xưa trong thôn cũ đã cải thiện nhiều. Vào thăm một số nhà, chúng tôi thấy đều có tivi, đầu đĩa để giải trí. Chị Thị Lém ở nhà đối diện tâm sự: “Về ở đây 4 năm rồi, gia đình tôi có điều kiện chăm sóc các con mình tốt hơn, nhất là việc học hành, khám chữa bệnh”.
Nhìn tổng thể, trong những năm qua, nhờ các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các công trình an sinh xã hội, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số ở Xóm Bằng 2 nói riêng, Bắc Sơn nói chung đang từng bước được cải thiện. Theo đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc đã và đang được phát triển. Tuy nhiên thực tế đến nay Bắc Sơn vẫn là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vì vậy rất cần các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ để đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Sơn, trong đó có thôn định canh, định cư dân tộc Raglai Xóm Bằng 2 phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bạch Thương