DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Đầu tư hạ tầng nông thôn phục vụ chuỗi giá trị ở An Hải

(NTO) Với tổng diện tích tự nhiên trên 2.000 ha, trong đó có gần 1.457 ha đất nông nghiệp, An Hải là 1 trong 3 xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Ninh Phước. Từ thực tế sản xuất, Ban Phát triển xã và người dân các thôn đã lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo gồm: táo, nho, hành (tỏi), bò, dê, cừu. Để phát triển chuỗi giá trị, An Hải xác định cần tập trung khắc phục yếu kém về kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất.

Căn cứ vào chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể đã xác định, An Hải đã thành lập được 4 tổ nhóm đồng sở thích trồng táo và 2 tổ chăn nuôi bò tại các thôn Long Bình 1, Long Bình 2 và An Thạnh 1, An Thạnh 2. Bình quân mỗi tổ nhóm táo có 12-16 thành viên và mỗi tổ nhóm bò có 6 thành viên.

Mương Ruộng Vườn sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp phục vụ chuỗi giá trị lúa, nho, táo ở An Hải.

Để đào tạo nguồn nhân lực địa phương, từ năm 2013 đến nay, ngoài việc cử nông dân tham gia các lớp tập huấn do các ngành chức năng tỉnh tổ chức, Ban Phát triển xã còn phối hợp với Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) mở tại chỗ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác các chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể của từng thôn như: trồng hành, tỏi theo hướng VietGAP; trồng táo, nho và tiếp cận thị trường; chăn nuôi cừu. Riêng năm nay còn có thêm lớp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho các nhóm đồng sở thích, đặc biệt đã hỗ trợ thực hiện sản xuất nho an toàn (1,5 ha) theo hướng VietGAP và phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản thực hiện thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn tại 2 hộ: Báo Thị Diễm (Tuấn Tú) và Trịnh Ngọc Thạch (Long Bình 1).

Với dân số khoảng 3.282 hộ (14.700 người), An Hải còn 268 hộ nghèo, một tỷ lệ khá cao. Nguyên nhân nghèo được cấp ủy, chính quyền xã giải thích là do địa hình An Hải nằm vùng cuối kênh Nam nên thường xuyên bị lũ lụt gây thiệt hại mùa màng, mùa khô dễ bị khan hiếm nước; thêm nữa kết cấu hạ tầng chưa xây dựng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và thủy lợi, đã kìm hãm sự phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Vì vậy việc đầu tư kết cấu hạ tầng luôn được An Hải quan tâm hàng đầu. Theo đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh, hiện nay An Hải đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa đường nội thôn Tuấn Tú ra khu sản xuất rau an toàn, có chiều dài trên 453 m (phục vụ cho chuỗi giá trị rau, quả an toàn và bò); bê-tông bờ tràn vùng ruộng Rọc, thuộc thôn Long Bình 2 có chiều dài 45,3 m (phục vụ chuỗi giá trị lúa, bò) và nâng cấp tuyến mương nội đồng vùng ruộng lúa Tà Đe có chiều dài 366,4 m (phục vụ chuỗi giá trị táo, nho, lúa và bò). Tiếp tục thực hiện dự án HTTN, từ nguồn vốn CDF (Quỹ phát triển cộng đồng), Ban Phát triển xã An Hải đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ 2 công trình là sân phơi An Thạnh 1 (kinh phí đầu tư 170 triệu đồng) và tuyến mương Ruộng Vườn phục vụ sản xuất thôn An Thạnh 1 (kinh phí đầu tư 450 triệu đồng), dự kiến nếu được phân bổ vốn kịp thời sẽ hoàn thành thi công cuối năm nay.

Cùng với các tổ nhóm đồng sở thích đang bước đầu hoạt động hiệu quả, Ban Phát triển xã An Hải cùng DASU huyện tiếp tục rà soát, thành lập mới các tổ nhóm dê, cừu và nho. Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch sẽ hoàn thành thủ tục hồ sơ tiểu dự án, đưa vào hoạt động tổ, nhóm đồng sở thích nuôi dê thôn Tuấn Tú và tổ nhóm nuôi cừu tại 2 thôn Long Bình 1 và Long Bình 2. Trọng tâm là duy trì và phát triển thêm chuỗi giá trị rau an toàn, một sản phẩm lợi thế của địa phương đang được các cấp, ngành quan tâm đầu tư. Như vậy nếu triển khai nguồn vốn CDF đúng tiến độ, An Hải sẽ có cơ hội khắc phục được mặt hạn chế về công trình hạ tầng nông thôn phục vụ chuỗi giá trị, qua đó tăng thu nhập, trình độ sản xuất, kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường của thành viên các tổ nhóm đồng sở thích, hướng đến giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững.