Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày cho thấy, đại đa số đại biểu Quốc hội đề nghị đổi tên Luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật.
Luật Giáo dục hiện hành quy định GDNN bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Tuy nhiên hiện nay, chỉ có hoạt động dạy nghề được điều chỉnh bởi Luật Dạy nghề, còn trung cấp chuyên nghiệp mặc dù cùng thuộc lĩnh vực GDNN song chưa có luật riêng điều chỉnh. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho đổi tên gọi của Luật thành Luật GDNN và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật để thống nhất lĩnh vực GDNN.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Phạm Thị Hải phát biểu ý kiến sáng 5/11. (Ảnh: TTXVN)
Về các trình độ đào tạo của GDNN, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị sắp xếp lại các trình độ đào tạo của GDNN trên cơ sở hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. UBTVQH nhận thấy GDNN hiện đang bị phân tách thành hai bộ phận do 2 Bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quản lý hệ thống dạy nghề (gồm 3 trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề), còn Bộ Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT) quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung; dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho GDNN, mà còn gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sắp xếp lại các trình độ đào tạo của GDNN theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo của hệ thống dạy nghề với các trình độ đào tạo tương ứng của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp. Theo đó, GDNN sẽ gồm 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Sau khi chuyển trình độ cao đẳng về bậc GDNN để hợp nhất với trình độ cao đẳng nghề thì bậc giáo dục đại học sẽ không còn trình độ đào tạo cao đẳng.
GDNN là một bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng bị chia đôi và phát triển theo các định hướng khác nhau khiến cho lĩnh vực này bị phân tách thành 2 hệ thống riêng biệt là dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp, dẫn tới nhiều bất cập. Vì vậy, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phải thống nhất một cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về GDNN. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giao cho Bộ LĐ-TB&XH, có ý kiến đề nghị giao cho Bộ GD&ĐT. UBTVQH thì cho rằng, nếu giao cho Bộ GD&ĐT thì sợ “quá tải”, vì Bộ này đang quản lý các cấp, bậc học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp cho tới giáo dục đại học và sau đại học. Vì vậy UBTVQH đề nghị giao cho Bộ LĐ-TB&XH làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về GDNN.
Nhiều ý kiến trái chiều về việc giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về GDNN cho Bộ nào?
Thảo luận tại Hội trường về trách nhiệm quản lý nhà nước về GDNN, giao cho bộ nào vẫn là 2 luồng ý kiến khác nhau.
Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị để Bộ GD&ĐT quản lý GDNN, Bộ LĐ-TB&XH chỉ thực hiện trách nhiệm cơ quan chủ quản đối với các cơ sở GDNN của mình, còn quản lý Nhà nước phải là do Bộ GD&ĐT. Lý giải của UBTVQH cho rằng, sợ Bộ GD&ĐT “quá tải” là không phù hợp.
Đồng quan điểm với đại biểu Diệu, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai), đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) ủng hộ giao cho Bộ GD&ĐT quản lý nhà nước về GDNN để thống nhất các bậc học, trình độ, chương trình đào tạo, tạo điều kiện để người học nghề liên thông...
Không ủng hộ giải trình của UBTVQH sợ Bộ GD&ĐT “nhiều việc”, “nặng gánh” khi quản lý GDNN, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, thời gian qua diễn ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ là do chưa có sự phối hợp giữa 2 bộ này. Quản lý yếu kém là do con người. Cần thiết thì Chính phủ phải tái cơ cấu bộ máy của ngành GD&ĐT để quản lý tốt hơn chứ không nên “cắt” quản lý Nhà nước trong GD&ĐT như vậy.
Đại biểu Bé cho rằng, đây là vấn đề lớn, quan trọng, không nên vội vàng quyết định. Do đó, đại biểu đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu khi quyết định việc để Bộ nào quản lý GDNN trước khi thông qua Luật.
Trái với quan điểm trên, đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) lại cho rằng, giao cho Bộ LĐ-TB&XH là hợp lý, vì thực tế cho thấy từ khi giao cho Bộ này quản lý thì chất lượng dạy nghề đã tốt lên.
Vì còn có các ý kiến khác nhau nên một số đại biểu đề nghị phải lấy phiếu ĐBQH việc giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về GDNN cho Bộ nào.
Về chính sách của nhà nước để phát triển nghề nghiệp, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng: Dự thảo luật vẫn còn tồn tại một số bất cập, như còn thiếu những điều khoản quy định mạng lưới trường nghề trên phạm vi cả nước, vì đây là điều kiện tiên quyết để cơ quan quản lý Nhà nước chủ động trong công tác quản lý điều hành đối với hoạt động đào tạo nghề.
Theo đại biểu Phạm Thị Hải, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cho đất nước, nhưng hiện nay quá yếu kém về chất lượng. Trong khi đó, luật chưa có tầm nhìn khi chưa quy hoạch được mạng lưới dạy nghề cho tương lai.
Đại biểu Phạm Thị Hải đề nghị: Ban soạn thảo cần quy định rõ trong luật việc quy hoạch mạng lưới nghề nghiệp theo vùng, theo địa phương cần có sự phân bố giữa trường có chất lượng cao ở các vùng kinh tế động lực và hình thành trung tâm dạy nghề theo vùng, trong đó ưu tiên cho trường ngoài công lập phát triển dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định 630 của Chính phủ.
Luật cần bổ sung nội dung về tăng năng suất lao động
Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) so sánh, thi tay nghề ASEAN thì Việt Nam đạt giảo cao, vượt Indonexia, Singapore, Thái Lan... nhưng theo số liệu đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) năm 2013 thì năng suất lao động của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia đó.
“Một trong những nguyên nhân chính, quan trọng đó là đào tạo nghề hiện nay chưa hợp lý, chưa phù hợp với tình hình hiện nay nên chưa phát huy được tiềm năng của lao động của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, tăng năng suất lao động là rất vấn đề bức thiết. Đó là kỳ vọng không những của tôi mà là của rất nhiều cử tri khi luật này được thông qua, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một nội dung về tăng năng suất lao động của người lao động Việt Nam trong Luật giáo dục nghề nghiệp” - đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, chính sách cho học nghề chưa đủ mạnh, cần bổ sung chính sách đối với người sau khi học nghề, như chính sách tạo việc làm, tuyển dụng. Đồng thời cũng cần có chính sách để người dân thích học nghề cũng như thích vào học đại học, cao đẳng để khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ, người giỏi không học nghề, khiến năng suất lao động thấp.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến là về mục tiêu giáo dục nghề nghiệp. Các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật đã cơ cấu lại quy định về mục tiêu đào tạo theo hướng gộp chung các quy định về mục tiêu của các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp vào một điều, trong đó quy định về mục tiêu chung và mục tiêu của từng trình độ đào tạo. Tuy nhiên, Luật cần cấu trúc lại và cụ thể hóa hơn quy định về mục tiêu đào tạo nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu cân bằng và chuyển dịch cơ cấu lao động, cũng như để phù hợp với việc xây dựng khung trình độ quốc gia. Từ đó, quy định những yêu cầu, chuẩn năng lực cơ bản của từng trình độ giáo dục nghề nghiệp, làm căn cứ cho Chính phủ thiết kế và ban hành khung trình độ nghề nghiệp quốc gia cho phù hợp khi hướng dẫn thi hành Luật.
Ngoài những nội dung trên, các đại biểu cũng có ý kiến về cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo nghề nghiệp của Nhà nước; chính sách phân luồng học sinh theo học nghề nghiệp; việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề nghiệp; chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chính sách ưu tiên đối với người tốt nghiệp các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp…
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam