Ứng 210 tỷ đồng cho 6 địa phương xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 210 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 cho 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
6 tỉnh, thành phố được ứng vốn là Thái Bình 75 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế 28 tỷ đồng; Đà Nẵng 11 tỷ đồng; Khánh Hòa 25 tỷ đồng; Lâm Đồng 45 tỷ đồng; Hậu Giang 26 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện và giải ngân số vốn được ứng trước nêu trên đến hết ngày 31/12/2015.
Ảnh minh họa.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 để hoàn ứng theo quy định.
Đồng thời, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính theo chức năng nhiệm vụ được giao hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai thực hiện theo quy định.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ứng vốn trái phiếu Chính phủ nêu trên chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn được giao đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 tại An Giang
Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 tại tỉnh An Giang (địa điểm chính) và một số địa phương lân cận.
Phương án cụ thể tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao các cấp và Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VIII sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau khi kết thúc Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, trên cơ sở báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch tổng kết, đánh giá toàn diện công tác tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao các cấp và Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc từ trước đến nay, đề xuất việc đổi mới, hoàn thiện công tác tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao các cấp và Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VIII và các kỳ tiếp theo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, kinh phí tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 chủ yếu do địa phương đăng cai tự cân đối từ ngân sách địa phương và từ các nguồn thu hợp pháp khác, ngân sách có thể hỗ trợ một phần tùy theo điều kiện cụ thể trong từng thời điểm; hạn chế tối đa việc đầu tư xây dựng mới các công trình thể thao từ nguồn ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá toàn diện hoạt động thể dục, thể thao hiện nay, xác định rõ những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chết và nguyên nhân, từ đó đề xuất những định hướng và giải pháp tổng thể đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động thể dục, thể thao trong giai đoạn tới, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho CHDCND Lào
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 33/CT-TTg về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Trong hơn 50 năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào) ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng, với nhiều phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Để thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020” và khắc phục một số hạn chế phát sinh trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt sâu sắc công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho CHDCND Lào là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn mới, trong đó cần đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất quản lý toàn diện lưu học sinh Lào thuộc tất cả các đối tượng và loại hình đào tạo. Quán triệt các cơ sở đào tạo khi tiếp nhận lưu học sinh Lào phải tuân thủ quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam và các quy định khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh trước khi sang học tập tại Việt Nam, chỉ tuyển chọn sinh viên năm thứ nhất tại các trường đại học của CHDCND Lào sang học tại Việt Nam theo diện hiệp định và chỉ tiếp nhận lưu học sinh diện hiệp định khi có quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; lưu học sinh Lào trước khi sang Việt Nam học tập phải học tiếng Việt trong thời gian tối thiểu 3 tháng tại các cơ sở đào tạo có đủ năng lực tại Lào.
Hàng năm, thông báo danh sách các cơ sở đào tạo, các ngành đào tạo và tiêu chuẩn tuyển sinh theo từng bậc học (đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh) để phía Lào lựa chọn, đăng ký ứng viên phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng lộ trình và thống nhất với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào về triển khai tổ chức giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ tại các trường phổ thông do Việt Nam xây dựng từ năm học 2014 - 2015, hướng tới giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông khác trong hệ thống giáo dục của Lào.
Đồng thời soạn thảo, ban hành bộ giáo trình giảng dạy tiếng Việt thống nhất cho lưu học sinh nước ngoài và khung năng lực tiếng Việt áp dụng tại các cơ sở đào tạo; bổ sung, hoàn thiện bộ Từ điển Việt - Lào, Lào - Việt tạo điều kiện thuận tiện trong học tập, nghiên cứu của lưu học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, chỉ tiếp nhận lưu học sinh Lào đáp ứng các tiêu chuẩn về tiếng Việt theo quy định. Không đổi ngành nghề đào tạo cho lưu học sinh, trường hợp đặc biệt phải có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ bắt buộc đối với lưu học sinh Lào trong suốt quá trình đào tạo; đảo đảm đầy đủ điều kiện ăn ở, học tập cho lưu học sinh Lào trong thời gian học tập tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và phân bổ nguồn lực để tăng cường hợp tác với CHDCND Lào trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn và ngắn hạn với các địa phương kết nghĩa của Lào trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của CHDCND Lào và thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biết; chú ý bảo đảm các điều kiện học tập, sinh hoạt cho lưu học sinh Lào tại các cơ sở đào tạo của địa phương.
Quản lý, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu, thuyền
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của thuyền.
Theo đó, các loại tàu biển phải được lắp đặt thiết bị nhận dạng và truy theo tầm xa (thiết bị LRIT) theo quy định của Công ước SOLAS gồm: Tàu chở khách, bao gồm cả tàu cao tốc chở khách, hoạt động trên tuyến quốc tế; tàu chở hàng, bao gồm cả tàu cao tốc chở hàng, có tổng dung tích từ 300 GT trở lên, hoạt động trên tuyến quốc tế; giàn khoan di động.
Miễn trừ việc lắp đặt thiết bị LRIT đối với tàu biển chỉ hoạt động trong vùng biển A1 và đã được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS.
Thông tin LRIT chỉ được sử dụng vào mục đích an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và hoạt động tìm kiếm cứu nạn có liên quan đến hoạt động của tàu thuyền.
Việc khai thác, sử dụng thông tin LRIT của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Công ước SOLAS, quy định tại Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Việc truyền phát thông tin LRIT được thực hiện tự động từ tàu thuyền về Trung tâm dữ liệu với tần suất 6 tiếng 1 lần. Trường hợp tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam đang sửa chữa hoặc tạm dừng hoạt động, chủ tàu phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc bằng thư điện tử cho Công ty TNHH một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam để giảm tần suất phát thông tin.
Tàu thuyền được lắp đặt thiết bị nhận dạng và truy theo tầm xa có nghĩa vụ duy trì thiết bị LRIT hoạt động theo chế độ 24/7.
* Vùng biển A1 là vùng biển trong phạm vi vùng phủ sóng vô tuyến điện thoại của ít nhất một Đài thông tin duyên hải VHF mà trong đó tàu thuyền có khả năng báo động cấp cứu liên tục bằng gọi chọn số (vùng biển này có bán kính cách Đài thông tin duyên hải khoảng 30 hải lý).
Miễn lệ phí trước bạ đối với xe máy điện đến hết 30/6/2015
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về chính sách lệ phí trước bạ đối với xe máy điện.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý miễn thu lệ phí trước bạ đối với xe máy điện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đến hết ngày 30/6/2015; chủ sở hữu, sử dụng xe máy điện không phải đến cơ quan thuế để kê khai lệ phí trước bạ mà chỉ đến cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký xe theo quy định.
Từ ngày 1/7/2015 trở đi, xe máy điện khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Tiếp tục đầu tư hệ thống hỗ trợ hàng hải trên tuyến luồng Hải Phòng
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp tuyến luồng Kênh Cái Tráp và Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hỗ trợ hàng hải-hệ thống VTS trên tuyến luồng Hải Phòng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức thực hiện 2 dự án trên theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án.
Theo Bộ Giao thông vận tải, luồng dẫu tàu thuyền vào các cảng biển khu vực Hải Phòng là tuyến luồng huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Để phục vụ cho việc lưu thông hàng hóa qua các cảng ở khu vực này, việc tiếp tục đầu tư thực hiện 2 dự án trên là cần thiết.
Thí điểm xây dựng kho chứa thuốc BVTV nhập lậu bị thu giữ tại Lạng Sơn
Để đảm bảo việc xử lý thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ thí điểm tỉnh Lạng Sơn một dự án xây dựng 1 kho chứa thuốc và 1 xe ô tô chuyên dụng để thu gom, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật bị thu giữ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tỉnh Lạng Sơn lập dự án xây dựng kho chứa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về kho lưu chứa thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo quy định và kết hợp lưu chứa thuốc bị thu giữ trên địa bàn tỉnh với các tỉnh xung quanh; mua xe chuyên dụng phù hợp; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư để tỉnh làm căn cứ lập dự án.
Đồng thời, phối hợp các Bộ, ngành liên quan và tỉnh Lạng Sơn theo dõi, kiểm tra, đánh gia sau một năm hoạt động của dự án; nếu hiệu quả, đề xuất mở rộng mô hình thí điểm này.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, trên cơ sở đó hỗ trợ vốn cho dự án theo quy định.
UBND tỉnh Lạng Sơn có trách nhiệm căn cứ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo lập dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thẩm định, bố trí kế hoạch vốn đầu tư năm 2015.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian hoàn thành Dự án đưa vào hoạt động trong năm 2015. UBND tỉnh Lạng Sơn cần chủ động bố trí kinh phí trong phạm vi dự toán sự nghiệp môi trường của ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp hiện hành để duy trì hoạt động của kho, phương tiện chuyên dụng thu gom, vận chuyển và tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật bị thu giữ.
Nguồn Văn phòng Chính phủ