Trên Tỉnh lộ 703, thường xuất hiện nhiều xe tải nối đuôi nhau chở đất từ Phước Trung-Xuân Hải ra QL1 để san lấp công trình xây dựng. Việc khai thác trở nên rầm rộ nhất vào các ngày nghỉ cuối tuần và ngoài giờ hành chính. Theo con đường mòn, lối xe vào sâu trong vùng đất rẫy tại khu vực hồ Thành Sơn, cả “công trường” tấp nập hiện ra; nhiều phương tiện máy xúc, xe tải đang ra sức đào, chở đất hết sức lộn xộn. Do việc đào đất diễn ra khá lâu, nên tại khu vực này, cả một diện tích rộng lớn bị cày xới thành những hố sâu ngổn ngang, lởm chởm đất, đá.
Nhiều khu vực đất rẫy gần hồ Thành Sơn bị khai thác trái phép.
Theo người dân địa phương, đây là khu vực nằm trong địa giới quản lý của xã Phước Trung, nhưng đất sản xuất phần lớn là của người dân xã Xuân Hải. Diện tích này không chủ động nước, đất sỏi đá, khô cằn, nên một số hộ dân bỏ hoang. Khi nhu cầu đất san lấp xây dựng công trình đường giao thông tăng, các doanh nghiệp đã thuê đất rẫy của người dân để khai thác, vừa thuận đường đi, lại lợi dụng không phải đóng phí, xin phép theo quy định. Do đây là vùng giáp ranh, nên việc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương sở tại gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như có hộ làm thủ tục xin đào ao trên diện tích 4 sào đất rẫy để làm trang trại, nhưng thực chất là hợp thức hóa việc đào đất bán cho các đơn vị san lấp công trình. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến, khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm. Theo kiểm tra sơ bộ của UBND xã Xuân Hải, hiện trên địa bàn có 3 máy xúc, thường xuyên có mặt tại các vùng rẫy này để sẵn sàng hoạt động, đào đất bán cho các xe tải vận chuyển đi san lấp mặt bằng. Cùng với lượng xe khai thác, vận chuyển từ địa phận xã Phước Trung, lượng xe trọng tải lớn chạy trên các tuyến Tỉnh lộ 703, đường hương thôn ở xã Xuân Hải đang phải chịu áp lực lớn, dẫn đến nguy cơ đường xuống cấp nhanh. Đơn cử như cầu An Hòa, mặc dù tải trọng cho phép phượng tiện lưu thông qua cầu chỉ dưới 10 tấn, nhưng thường xuyên có lượng lớn xe tải chở đất đầy thùng cộng với thân xe trên 20 tấn vẫn vô tư qua cầu. Nhiều xe chở quá tải trọng nhưng vẫn chưa được lực lượng chức năng xử lý, ngăn chặn.
Ông Dương Bửu Viên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho biết: UBND xã đã cử lực lượng công an cùng cán bộ địa chính xã tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng các đối tượng tìm mọi cách trốn tránh. Khi có lực lượng chức năng tới kiểm tra, các phương tiện trên ngừng hoạt động; chủ xe, lái xe bỏ đi khỏi hiện trường. Trong khi đó, xã không thể thu giữ phương tiện, chặn xe vi phạm chạy trên đường. Chưa kể việc khai thác lén lút vào các giờ, ngày nghỉ để nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Khi địa phương lập biên bản, mời các đối tượng tới UBND xã giải quyết thì các đối tượng đều không chấp hành. Khi lập biên bản, đối tượng vi phạm cho rằng, đây là khu vực quản lý của xã Phước Trung, xã Xuân Hải không có quyền xử lý. Mặc dù trong thực tế việc khai thác trái phép gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đường giao thông thuộc xã Xuân Hải.
Để ngặn chặn tình trạng này, vừa hạn chế thất thoát tài nguyên, gây hư hỏng đường giao thông, UBND xã Xuân Hải đã kiến nghị huyện Ninh Hải, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các bộ phận, địa phương liên quan phối hợp xử lý. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, quản lý có hiệu quả khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng khai thác tài nguyên trái phép lại tiếp diễn.
Thiết nghĩ, để kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn cụ thể về biện pháp xử lý. UBND các huyện cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận, lực lượng liên quan, phát huy trách nhiệm, nhất là trong quản lý vùng giáp ranh. Có lực lượng và chế tài đủ mạnh để xử lý các đơn vị, cá nhân, lẫn phương tiện vi phạm, tránh để thất thoát lãng phí tài nguyên, vừa đảm bảo an toàn cầu đường và an ninh trật tự tại địa phương.
Anh Tuấn