Chia sẻ về việc nợ công đang ở mức cao, gần chạm ngưỡng an toàn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nợ công có mấy điểm đáng chú ý, thứ nhất đó là con số nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây, đồng thời số tiền để trả lãi vay hằng năm đã lên mức khoảng 25% tổng chi ngân sách.
Vay tiền để làm gì?
Điểm đáng chú ý tiếp theo là hiện nợ công không tính nợ của các DNNN, mà nợ của DNNN thực chất Nhà nước cũng phải trả. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có một kế hoạch cụ thể để hạn chế tốc độ tăng của nợ công, vay đến mức độ nào và làm thế nào để sử dụng đồng vốn vay này có hiệu quả hơn.
Thực chất nợ công đã lên đến 64% GDP, dưới mức giới hạn an toàn 1% GDP theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, nếu tính cả số nợ của DNNN, nợ công có thể lên tới 110% GDP trong khi chúng ta chưa có kịch bản nào để người dân an tâm.
“Việt Nam hiện rất cần có chiến lược quản trị nợ công nhằm giảm bớt đi vay, đảm bảo rằng nợ vay phải được đầu tư hiệu quả và có thể trả được nợ. Điều này rất quan trọng vì sắp tới, chúng ta còn phải vay để đảo nợ, có nghĩa là số nợ công sẽ tiếp tục tăng, nếu không có chiến lược quản trị hiệu quả thì chúng ta sẽ sa vào vòng xoáy nợ công tăng, sử dụng nợ không hiệu quả và dẫn đến không bảo đảm việc trả nợ vay”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết thêm.
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) cho rằng trong đầu tư công, dứt khoát là không được để đầu tư tràn lan, kiểu như tỉnh nào cũng cảng biển, cũng nhà máy bia, cũng trụ sở nguy nga; xây chợ, xây bảo tàng... khi chưa cần thiết, rất lãng phí và kém hiệu quả. Đây là vấn đề rất cần tính đến trong đầu tư ở các địa phương hiện nay.
Theo ông Lê Thẩm Dương, vấn đề hiện nay không phải là “dưới ngưỡng hay trên ngưỡng” mà vay để làm gì? Nếu vay để làm những dự án có hiệu quả, có tác động đến sự phát triển lâu dài của đất nước thì nợ công tăng đến 200% cũng không sao. Chỉ cần đầu tư đúng chỗ, quản lý không để thất thoát thì vẫn nên vay. Nhật Bản, do trình độ quản lý nợ công tốt, nợ công của họ lên đến 240% GDP.
Chìa khóa cho vấn đề nợ công - ổn định vĩ mô
TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, ổn định vĩ mô chính là chìa khóa cho vấn đề nợ công. Nếu lạm phát được kéo xuống dưới 3% để lãi suất vay vốn dưới 5% thì gánh nặng nợ công là không quá sức nền kinh tế Việt Nam. Ngược lại nếu lạm phát tiếp tục tăng cao dẫn đến lãi suất trên 12% (như năm 2011) thì nguy cơ vỡ nợ là rất cao.
Trong điều kiện các tiêu chí cho việc lựa chọn các dự án đầu tư công hiện nay đang rất không rõ ràng và dễ bị lợi dụng thì chúng ta cần giảm thiểu việc đầu tư công càng nhiều càng tốt. Song song với quá trình giảm đầu tư công là việc cải thiện môi trường kinh doanh và các điều kiện khác để khu vực tư nhân tham gia tích cực và chủ động hơn.
Hiện đang trục trặc ở đâu đó trong đầu tư và tiết kiệm ở nước ta. Tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam xấp xỉ 30% GDP, tương đương với tổng đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta đang phải đi vay bên ngoài rất lớn qua kênh ODA và FDI. Thay vì dùng toàn bộ phần tiết kiệm đầu tư lại cho nền kinh tế thì người dân đã tiết kiệm theo kiểu "cất dưới gối" và đây là những đồng tiền "chết". Đây thực sự là vấn đề cần được quan tâm tìm hiểu và có chính sách phù hợp.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, về nguyên tắc, những dự án có lợi ích kinh tế lớn hơn tổng chi phí kinh tế, giá trị hiện tại ròng dương thì nên triển khai. Tuy nhiên, nếu Nhà nước đứng ra vay hoặc bảo lãnh thì cần phải xét đến khả năng trả nợ trên quan điểm ngân sách. Lúc này gánh nặng nợ công sẽ là một nhân tố cần quan tâm.
Đối với các siêu dự án, quyết tâm chính trị cao cộng với việc có người theo đuổi vấn đề đến cùng là yếu tố để cho dự án công được triển khai. Tuy nhiên, cần phải bao gồm những đối tượng hay nhóm được hưởng lợi khi dự án thành công trong liên minh thực hiện dự án thì mới đảm bảo khả năng thành công cho dự án.
Giải pháp cho vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, cần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam mạnh mẽ, điểm mấu chốt là gia tăng năng lực sản xuất, tăng cung về tư liệu sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng quá dựa vào “kích cầu”, gia tăng quy mô đầu tư với các dự án lớn mà tính hiệu quả còn chưa được đông đảo người dân đồng thuận thì không thể nâng cao được chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững.
Nguồn www.chinhphu.vn