* Sự kiện
- Ngày 25-10-1930: Ngày truyền thống ngành Tài chính của Đảng. Trong ngày này, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Đảng đã được thông qua, quy định cụ thể vấn đề tài chính của Đảng và thành lập các ban chuyên môn giúp việc Trung ương, các cấp ủy Đảng, trong đó có Ban Tài chính. Căn cứ vào Điều lệ Đảng, Ban Bí thư Trung ương khóa IX đã quyết định lấy ngày 25-10 hàng năm là ngày truyền thống ngành tài chính của Đảng. 84 năm qua, ngành tài chính Đảng luôn năng động, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, tạo mọi điều kiện về tài chính và cơ sở vật chất, bảo đảm phục vụ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Trung ương và các cấp ủy Đảng, góp phần tích cực vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
- Ngày 25-10-1941: Tổng bộ Việt Minh chính thức công bố Chương trình Việt Minh. Chương trình của Việt Minh nêu rõ: Muốn cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, Việt Minh phải liên hiệp hết thẩy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp. Tất cả đoàn kết lại để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở, đồng thời phải hết sức giúp đỡ Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Campuchia) để cùng thành lập Đông Dương độc lập đồng minh.Chương trình cũng trình bày rõ ràng đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình.
- Ngày 25-10-1951: Bác Hồ thăm trường chính trị Trung cấp quân đội.Bác căn dặn: Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng.Người khẳng định, đạo đức cách mạng là cái gốc của người làm cách mạng. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta có lý tưởng cách mạng soi đường đã hăng hái tham gia chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ cùng với Đảng, nhân dân đấu tranh giành độc lập.
- Ngày 25-10-2004: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia (tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Với tổng vốn đầu tư khoảng 4.281 tỷ đồng, Trung tâm Hội nghị quốc gia là một công trình trọng điểm của đất nước, có kiến trúc đẹp, hài hòa, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, vừa hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vừa mang đậm tính dân tộc. Công trình cũng được đánh giá là một trong 3 trung tâm Hội nghị lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 15-11-2004 và hoàn thành trong thời gian 22 tháng. Đây là nơi tổ chức các đại hội và hội nghị lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghị, hội thảo quốc tế, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.
- Ngày 25-10-2010: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt. Tại Hà Nội, Bộ Y tế trao Quyết định công nhận Bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì những đóng góp trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân và thành tựu nghiên cứu y học. Được thành lập ngày 1-4-1951, đến nay, Bệnh viện luôn đứng vào nhóm đầu trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao và đạt được những tiến bộ có tính chất bước ngoặt, nâng cao chất lượng chẩn đoán điều trị, cải thiện chất lượng sống, phục hồi nhanh chức năng và tính thẩm mỹ cho bệnh nhân có những mũi nhọn hội nhập được với trình độ khu vực.
* Nhân vật
- Ngày 25-10-1746: Ngày sinh của chí sĩ Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Nhậm tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, quê xã Tả Thanh Oai, phủ Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội), là con trai Ngô Thì Sĩ. Ngô Thì Nhậm là chí sĩ thời Hậu Lê-Tây Sơn. Năm 1775, ông đỗ tiến sĩ. Năm 1788, ông được vua Quang Trung trọng dụng, phong làm Tả Thị Lang bộ Lại, tước Trình Phái Hầu. Trong giai đoạn phụ tá vua Quang Trung, ông phát huy tài năng cao độ trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao. Đau xót trước tình hình chính trị rối ren những năm cuối triều đại Tây Sơn, năm 1796, ông rút lui về quê, tìm lối thoát trong triết học, lập Thiền viện tại phường Bích Câu. Ông mất ngày 9-3-1803.Các tác phẩm chính: "Nhị thập nhất sư toát yếu" "Ủng vân nhân vịnh", “Bút hải tùng đàm”, “Ngọc đường xuân khiếu”...
Theo TTXVN