1.WHO cảnh báo tỷ lệ tử vong do dịch Ebola đang tăng nhanh và trong thời gian tới có thể sẽ có thêm 10.000 ca nhiễm mới mỗi tuần. Hiện Ebola đang lây lan mạnh và đặc biệt mở rộng các vùng dịch tại 3 nước: Guinea (Ghi-nê), Liberia (Li-bê-ri) và Sierra Leone (Xi-ê-ra Lê-ôn). WHO cũng công bố báo cáo (15-10) cho biết, đến nay đã có khoảng 4.500 người thiệt mạng từ khi dịch bệnh Ebola bùng phát trong số 8.997 người bị nhiễm bệnh và dịch bệnh lan rộng ra 7 quốc gia.
HĐBA Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng và mở rộng phạm vi hỗ trợ các nước đang bị virus Ebola hoành hành và có chiều hướng lan rộng. Bên cạnh đó, HĐBA LHQ cũng bày tỏ quan ngại về sự bất lực của việc “cách ly” đối với những nước ảnh hưởng do áp đặt hạn chế thương mại và du lịch và cũng như quy định nghiêm ngặt đối với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng ở Tây Phi.
Một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Italy thể hiện cam kết “lớn hơn” trong nỗ lực toàn cầu để chặn đứng dịch Ebola.
2.Cuộc chiến chống lại Lực lượng Hồi giáo tự xưng (IS) tại thị trấn chiến lược Kobani (Kô-ba-ni) của Syria (Xi-ri), giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng diễn biến phức tạp. Diễn biến đáng lo ngại này một lần nữa cho thấy, phiến quân IS đang ngày càng mở rộng hoạt động và đang tiến gần tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiến hành, phiến quân IS đang kiểm soát gần một nửa Kobani. LHQ cảnh báo, khoảng 700 thường dân hiện đang mắc kẹt tại thị trấn này, trong đó phần lớn là người già, có thể sẽ bị “thảm sát” nếu IS chiếm được Kobani và thúc giục cộng đồng quốc tế “làm mọi việc có thể” để ngăn chặn phiến quân nguy hiểm này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Kê-ri) đã không giấu việc Mỹ và Nga còn tồn tại những nghi kỵ lớn, tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ cho biết, cả hai cùng nhận thức về những trách nhiệm đối với những vấn đề toàn cầu.
3.Bất chấp lệnh ngừng bắn mong manh được thực thi từ đầu tháng 9, tình hình xung đột tại miền Đông Ukraine (U-crai-na) vẫn “đáng quan ngại”, với con số thương vong cao. Từ ngày 6-9 đến nay, đã có trên 330 người thiệt mạng do giao tranh ở miền Đông Ukraine.
Chung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ, ngày 15-10, nhắc lại lập trường của Washington (Oa-sinh-tơn) rằng, Mỹ sẽ không công nhận bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý nào do phe đòi ly khai tiến hành ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga cho rằng, đây là chuyện của Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) cho biết: “Ông Kerry và tôi không đại diện cho các bên tham chiến. Như tôi đã nói, việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ thành công thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp dựa trên những thỏa thuận đạt được giữa các bên xung đột”. Kiev (Ki-ép) và các đồng minh phương Tây vẫn tiếp tục cáo buộc Nga đứng đằng sau lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine. Moskva (Mát-xcơ-va) đã bác bỏ những cáo buộc này, nhưng khẳng định Nga có quyền bảo vệ lợi ích của những người nói tiếng Nga trong khu vực.
PV