Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) hiện hành có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở pháp lý để MTTQVN thực hiện có hiệu quả hơn trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của mình. Là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, MTTQVN đã có nhiều đóng góp trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, thông qua việc góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, tham gia tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên, giới thiệu hội thẩm nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, nhất là khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua và đã có hiệu lực pháp luật, Luật MTTQ Việt Nam càng bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật MTTQVN (sửa đổi) gồm 8 chương, 42 điều, tăng thêm 4 chương, 24 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung hầu hết các điều, chỉ giữ lại một điều (Điều 8, nay là Điều 19 mới).
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý khẳng định, Ủy ban tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật MTTQVN nhằm cụ thể hoá quy định mới của Hiến pháp liên quan đến MTTQVN, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để dự luật này đảm bảo tính hợp pháp và khả thi, cơ quan thẩm tra trình Quốc hội cho ý kiến về những vần đề còn khác nhau.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc dự thảo quy định MTTQVN là “nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng” của nhân dân để không mâu thuẫn với nội dung quy định tại Điều 79 của Hiến pháp là “đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định “ở mỗi cấp có Uỷ ban MTTQVN”. Tuy nhiên, nhiều quy định của dự thảo Luật lại thể hiện vai trò của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cấp tỉnh, Ban thường trực Ủy ban MTTQVN các cấp, Ban thường trực Ủy ban MTTQVN cấp huyện, cấp xã ... Do đó, đề nghị rà soát lại các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm sự rành mạch về cơ cấu tổ chức của MTTQVN.
Có ý kiến cho rằng, việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQVN cần phải được thể hiện rõ hơn. Bởi vì, để có chức năng đại diện cho nhân dân, cần phải làm rõ cơ chế nhân dân ủy quyền cho MTTQVN; phương thức đại diện, phương thức bảo vệ như thế nào? Hiến pháp quy định công dân có rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng về các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, quy định về cơ chế để thực hiện phản biện xã hội trong dự thảo Luật cần được cân nhắc. Cần làm rõ hơn giá trị pháp lý của hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận; bổ sung các nội dung cụ thể cần được phản biện xã hội, quy trình thực hiện phản biện xã hội; cần quy định cụ thể hình thức phản biện xã hội chứ không nêu chung chung là “các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật”; cần xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản bị phản biện xã hội đối với kiến nghị sau phản biện; xác định rõ mối quan hệ giữa phản biện xã hội với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước.
Dự án Luật MTTQVN (sửa đổi) là 1trong 12 dự án luật được đưa ra cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam