Để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Phước Đại đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển KT-XH, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân. Theo đồng chí Pilao Thị Thuynh, Phó Chủ tịch UBND xã, bên cạnh việc thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp người dân sản xuất, cải thiện thu nhập, địa phương luôn quan tâm là công tác vận động, tuyên truyền người dân phải nâng cao ý thức, tự biết nỗ lực vươn lên thoát nghèo có như vậy mới bền vững. Từ những định hướng đó, thông qua các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các Chương trình 134, 135, 167… và các chính sách hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo 30a như: hỗ trợ đất sản xuất, vốn vay sản xuất…những năm qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng những tiến bộ KH-KT vào sản xuất nông nghiệp thay thế tập quán canh tác cũ, chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Nông dân xã Phước Đại ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác bắp lai đạt năng suất 6-7 tấn/ha.
Ảnh: Sơn Ngọc
Qua việc lồng ghép các chương trình, dự án và vận động người dân, đến nay địa phương đã hình thành và phát triển được các mô hình kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, như: trồng bắp cao sản, trồng lúa nước, lúa chịu hạn, nuôi bò sinh sản…Toàn xã có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt khoảng 1.300ha, phần lớn diện tích nhân dân trồng cây lúa và cây bắp. Trong đó, các diện tích sản xuất lúa cao sản, lúa nước bình quân 4,5 – 5 tấn/ha; mô hình bắp lai cho năng suất 50 – 55 tạ/ha. Hiện nay, cây bắp và lúa đã được địa phương xác định là cây trồng chủ lực và đang được người dân tập trung phát triển mở rộng diện tích. Nếu trước đây việc xuống vụ của bà con còn manh mún, da beo thì nay đã chuyển sang gieo vụ đồng loạt có kế hoạch, có các tổ điều tiết xuống vụ, tháo nước một cách hợp lý nên giảm rất nhiều các chi phí trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi, đặc biệt theo hướng nuôi bò sinh sản cũng đang góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Hiên nay, tổng đàn gia súc của xã gần 2.200 con, trong đó riêng đàn bò đã có gần 1.690 con.
Bên cạnh việc định hướng cho người dân dần chuyển đổi mô hình sản xuất, địa phương còn tạo điều kiện để gần 1.180 hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội gần 15 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, sửa chữa nhà ở…Từ những định hướng đúng đắn và sự quan tâm của chính quyền, không ít hộ dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, áp dụng KH-KT vào trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn xã. Theo thống kê, trong năm 2013 toàn xã giảm được 11,2% hộ nghèo, hiện hộ nghèo còn 30,2%.
Cũng theo đồng chí Pilao Thị Thuynh, thực tế số hộ thoát nghèo những năm qua của địa phương chưa thật bền vững và nếu không tự nỗ lực từ chính hộ gia đình thì sẽ trở lại thành hộ nghèo, trong khi đó hầu hết bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hàng năm, xã đặt ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8-9%. Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới ngoài việc tiếp tục tập trung lồng ghép các chương trình, dự án vào phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho người nghèo thông qua các nguồn vốn chính sách, địa phương sẽ chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động người dân tự ý thức vươn lên thoát nghèo; đồng thời phân công từng cán bộ, công chức xã đảm nhận việc hỗ trợ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo để trực tiếp hướng dẫn cho bà con trong sản xuất, làm ăn. Cấp ủy và chính quyền xã cũng sẽ tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có sự hỗ trợ kịp thời, đúng hướng, đúng đối tượng giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Nguyễn Anh