Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Đào Trọng Thi. (Ảnh: VPQH)
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) Đào Trọng Thi cho biết, Ủy ban nhất trí về cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thay cho Nghị quyết số 40 năm 2000 về vấn đề này, đã được thực hiện từ năm học 2002 - 2003 đến nay.
Mục tiêu của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp, góp phần quan trọng phát triển con người có năng lực và phẩm chất tốt.
Về cơ cấu giáo dục phổ thông, dư luận chung trong giới giáo dục và khoa học nhất trí giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm và chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) là giai đoạn giáo dục phổ cập, bắt buộc nhằm bảo đảm trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông) chuẩn bị cho học sinh tham gia thị trường lao động hoặc học lên cao đẳng, đại học và sau đại học.
Tuy nhiên, về vấn đề giai đoạn giáo dục cơ bản kéo dài mấy năm thì hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giáo dục cơ bản trong 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở). Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng giáo dục cơ bản cần 10 năm (5 năm tiểu học và 5 năm trung học cơ sở hoặc 6 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở).
Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất: Việc thực hiện giáo dục cơ bản 10 năm sẽ làm tăng thời gian giáo dục phổ cập bắt buộc thêm một năm, đòi hỏi ngân sách nhà nước tăng mạnh đầu tư cho giai đoạn giáo dục này. Việc tăng một lớp ở cấp trung học cơ sở hoặc cấp tiểu học và giảm một lớp ở cấp trung học phổ thông sẽ gây xáo trộn, mất cân đối về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên các cấp học phổ thông. Hơn nữa, việc dôi dư cơ sở vật chất và giáo viên cấp trung học phổ thông có thể dẫn đến tăng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông, đi ngược chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban đề nghị chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa phổ thông và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác.
Băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa khác nếu thực hiện theo phương án của Đề án, một số chuyên gia, nhà quản lý đề xuất: Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, Ủy ban đã nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. Về đối tượng tham gia biên soạn sách giáo khoa, Ủy ban tán thành phương án do Chính phủ đề nghị vì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa để đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học.
Bên cạnh đó, việc biên soạn song hành một bộ sách giáo khoa cung cấp tài liệu giáo dục để tổ chức dạy học thực nghiệm cần thiết cho việc ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, mục tiêu vì lợi ích của đông đảo học sinh và vì chất lượng giáo dục phải đặt lên trên yêu cầu công bằng trong kinh doanh nếu có xung đột. Hơn nữa, băn khoăn về vấn đề này có thể xử lý bằng việc bán đấu giá bản quyền bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn cho các nhà xuất bản để phát hành, kinh phí thu được nộp ngân sách nhà nước cũng như việc giao thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam