Những vướng mắc trong đánh giá học sinh Tiểu học theo quy định mới

(NTO) Thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28-8-2014 của Bộ GD&ĐT, từ ngày 15-10, tất cả các trường TH trên địa bàn tỉnh đã triển khai áp dụng quy định đánh giá học sinh (HS) TH mới do Bộ GD&ĐT ban hành. Theo quy định mới, giáo viên không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên HS mà thay vào đó là nhận xét bằng lời nói trực tiếp hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của HS về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được.

Tuy chỉ mới áp dụng chưa đầy một tuần nhưng đa số các bậc phụ huynh khi được hỏi đều chưa đồng tình với quy định đánh giá mới này. Chị Lê Thị Hiền, phụ huynh có con đang học lớp 3, Trường TH Phước Mỹ I (Phan Rang- Tháp Chàm) cho rằng: Nhận xét bằng lời trực tiếp hoặc viết vào vở thì trước đây giáo viên cũng đã làm rồi. Nhưng không chấm điểm số là điều không nên vì đó là căn cứ để chúng tôi khích lệ tinh thần học tập của các con. Nếu chỉ có những lời nhận xét hoặc những đánh giá như: đúng, sai, tốt, khá… thì ngay cả phụ huynh chúng tôi cũng không biết trình độ học của con mình đã đạt đến mức nào để tiếp tục bồi dưỡng, động viên con cố gắng. Anh Phạm Hoài Nam, phụ huynh một HS Trường TH Mỹ Hương (Phan Rang-Tháp Chàm) thì chia sẻ: Trước đây cháu nhà tôi có vườn hoa điểm 10 để làm quà dành tặng ba mẹ vào mỗi dịp sinh nhật, ngày lễ. Nhưng mấy hôm nay không còn điểm số thì cháu rất buồn, bản thân tôi cũng chưa tìm ra cách nào khác để tạo động lực khuyến khích cháu phấn đấu như trước đây. Đồng ý là cách đánh giá mới sẽ giảm gây áp lực học tập cho HS, tránh được “bệnh” thành tích, nhưng nhiều phụ huynh cũng lo ngại việc đánh giá thường xuyên không có điểm số mà chỉ chấm điểm bài kiểm tra vào cuối mỗi học kỳ thì không thể có thước đo chính xác về chất lượng giáo dục. ư

 
Giờ lên lớp của giáo viên Trường TH Phủ Hà 2, (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).

Quy định mới cũng đang gây không ít khó khăn và áp lực về thời gian cho giáo viên. Thầy giáo Nguyễn Trọng Tỵ, Hiệu trưởng Trường TH Phủ Hà 2 (Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Nhà trường hiện có hơn 1.000 HS, bình quân sỹ số mỗi lớp đều trên 30 HS . Như vậy mỗi ngày giáo viên sẽ phải đánh giá, nhận xét vào khoảng 100 cuốn vở của HS cho ít nhất là 2 môn học/ngày. Với những giáo viên dạy bộ môn (Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật…) một ngày phải dạy nhiều lớp thì số lượng HS lại càng đông hơn. Như vậy giáo viên sẽ rất khó để cân đối thời gian dạy và đánh giá, nhận xét HS. Cô giáo Huỳnh Thị Lệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 4G, Trường TH Phủ Hà 2, cho biết: Vì không đủ thời gian nên chỉ nhận xét một nửa lớp bằng lời nói nói trực tiếp ở trên lớp, số HS còn lại chưa được nhận xét thì phải đưa vở các em về nhà hôm sau mới trả lại. Dù đã giải thích cho HS trong lớp về cách đánh giá mới nhưng chỉ nghe lời nhận xét thôi mà không được chấm điểm thì các em vẫn rất buồn. Nhiều em còn gặng hỏi “lời nhận xét của cô tương đương mấy điểm”?.

Bên cạnh áp lực về thời gian, các giáo viên cũng đang lúng túng trong việc lựa chọn từ ngữ để ghi lời nhận xét, đánh giá sao cho vừa sát với thực chất lực học của HS, vừa mang tính động viên, khích lệ nhưng cũng phải dễ hiểu và tránh lặp lại, gây nhàm chán. Đặc biệt là với những HS lớp 1, khi các em chưa thể đọc thông viết thạo thì những lời nhận xét được ghi vào vở lại càng cần được cân nhắc. Khó khăn này cộng với áp lực về thời gian, chương trình học có thể sẽ gây nên tình trạng những lời nhận xét tương tự giống nhau, phụ huynh khó nắm bắt được học lực thật sự của con em mình.

Với cách đánh giá HS mới theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, yêu cầu giáo viên phải gần gũi hơn với học sinh, sâu sát, nắm vững tình trạng học tập, rèn luyện của các em hơn. Nhưng với những khó khăn, bất cập nêu trên thì rõ ràng không chỉ giáo viên mà cả HS và phụ huynh cũng phải thích ứng với cách đánh giá mới và có sự phối hợp chặt chẽ để cùng giáo viên đẩy mạnh chất lượng giáo dục.