CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Ăn gì cũng… sợ !

Có lẽ chưa bao giờ từ “sợ” lại thường xuyên lởn vởn trong đầu của không ít người mỗi khi ăn hoặc mua thực phẩm để dùng cho cá nhân hoặc người thân trong gia đình. Vậy “sợ” gì?.

Tôi thử đặt câu hỏi cho một số người quen để gọi là làm cuộc “điều tra xã hội” bỏ túi. Thật bất ngờ khi nhận “kết quả” đến… 99% là giống nhau, đó là “sợ…ung thư” bởi sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngẫm lại tôi cũng giật mình, bởi qua báo chí ngày càng có nhiều thông tin về thực phẩm bẩn mà chỉ mới “gián tiếp” đọc thông tin đã thấy “sợ” huống chi là… trực tiếp tiếp xúc, thậm chí là “vô tình” sử dụng thì đáng “sợ” biết chừng nào!. Ăn rau thì ngại dư lượng thuốc trừ sâu còn tích tụ do nông dân sử dụng quá nhiều để phòng, trừ sâu hại, đó là chưa kể đến thuốc tăng trưởng để tốt lá, củ, quả; việc lạm dụng quá nhiều phân hóa học cũng làm cho rau không được “sạch”.

Còn như nếu đối chiếu với tiêu chí VietGAP thì… đúng là không dám mua và sử dụng rau các loại hiện đang bày bán trên thị trường. Thiên nhiên vốn dành cho Ninh Thuận hai “sản vật” quý, đó là “nắng” và “gió”, theo đó tuy cây trái không phong phú như các vùng khí hậu ôn đới miền Đông Nam Bộ hay miền Tây sông nước, nhưng bù lại cho nông nghiệp hai loại cây quả đặc sản làm nên thương hiệu Ninh Thuận là nho và táo. Để tạo thị trường tiêu thụ ổn định, uy tín, nhiều nhà vườn trong tỉnh đã áp dụng quy trình sản xuất “sạch” theo tiêu chí VietGAP để vừa tăng năng suất và hơn hết là tăng giá trị cho sản phẩm, bảo vệ môi trường, đồng thời hiệu quả “lớn” hơn là gián tiếp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Uy tín thương hiệu vang xa nên gần đây tại TP.Hồ Chí Minh, một số điểm bán trái cây đã “lập lờ đánh lận” người tiêu dùng bằng việc bán nho Trung Quốc nhưng lại rao là nho Ninh Thuận! Cả táo cũng vậy. Không biết chất lượng thật ra sao nhưng kiểu làm ăn đó nếu không xử lý đến nơi đến chốn thì thương hiệu nho, táo Ninh Thuận bị người tiêu dùng “hoài nghi” dẫn đến “sợ” dùng sẽ không lâu sau đó!. Không chỉ thực phẩm rau (các loại) hay trái cây mà ngay cả thịt heo, gà… cũng nuôi theo “mô hình” siêu tăng trọng nên việc tồn dư chất độc hại cũng khó tránh khỏi và nếu sử dụng thường xuyên thì đây cũng là mầm mống của bệnh tật như nhiều người lo ngại.

Để giải tỏa nỗi “sợ” này thật không dễ. Nhưng cũng không vì “sợ” mà “kiêng” đến mức phải “nhịn” dễ dẫn đến bị suy dinh dưỡng càng tạo cơ hội cho bệnh tật phát triển. Do vậy, vẫn lời khuyên “cũ” là hãy làm người tiêu dùng “thông thái” để chọn cho mình và người thân những thực phẩm sạch mà dùng. Có vậy mới tránh được hậu quả “mới”, không phải ấm ức vì “tiền mất, tật mang”.