Hiệu quả từ việc hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh ta

(NTO) Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận và TP.Hồ Chí Minh được lãnh đạo hai địa phương chính thức ký kết từ tháng 6-2005. Qua gần 10 năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, tạo tiền đề cho việc phát triển hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực mới.

 
Nhà máy bia Sài Gòn - Ninh Thuận được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2013 có công suất 50 triệu lít/năm,
góp phần tạo việc làm trên 100 lao động địa phương và đóng góp cho ngân sách trên 300 tỷ đồng/năm.
 
 
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy bia Sài Gòn - Ninh Thuận. 

Có thể nói, kể từ khi tỉnh ta phối hợp với TP.Hồ Chí Minh ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến nay, các sở, ngành và doanh nghiệp giữa hai địa phương đã có nhiều điều kiện để quan hệ, hợp tác mạnh mẽ hơn. Các nội dung, chương trình hợp tác được các cấp lãnh đạo của hai địa phương quan tâm chỉ đạo, qua đó tạo điều kiện cho các sở, ngành, doanh nghiệp thắt chặt mối quan hệ trên nhiều mặt. Đơn cử như trong lĩnh vực phát triển du lịch, ngoài việc liên kết để xây dựng các tour kết nối TP.Hồ Chí Minh - Ninh Thuận – Miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, hai địa phương còn thường xuyên cung cấp thông tin, tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch để quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch cũng như trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý du lịch. Trong lĩnh vực công thương, xúc tiến thương mại, hai địa phương đã tổ chức chương trình kết nối thị trường để tiêu thụ các nông sản đặc thù của tỉnh như: Nho, táo, tỏi, thịt dê, cừu... Đối với lĩnh vực y tế, thông qua chương trình hợp tác, các Bệnh viện lớn của TP.Hồ Chí Minh đã đào tạo, chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhiều kỹ thuật cao như: Cấp cứu tim mạch, mổ chấn thương sọ não, chạy thận nhân tạo… Ngoài ra, các viện, trường tại TP.Hồ Chí Minh đã chủ trì thực hiện 24 đề tài, dự án khoa học, các kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu đã góp phần làm luận cứ khoa học và cơ sở cho việc hoạch định chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh rất hiệu quả.

 
Dây chuyền sản xuất Công ty May Tiến Thuận.Ảnh: L.V.H

Ngoài việc hợp tác về phát triển du lịch, xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế…, thông qua chương trình hợp tác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai địa phương còn được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh và hiệu quả các dự án của mình.

Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) cho biết: Từ kết quả đạt được trong giai đoạn 2005 – 2014, hai địa phương tiếp tục thỏa thuận đề ra phương hướng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2014 – 2020 với phạm vi toàn diện hơn, nội dung hợp tác tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Để làm được điều này, hai địa phương xác định tiếp tục tạo cơ chế chính sách để huy động các thành phần kinh tế trong xã hội tích cực tham gia chương trình hợp tác ở tất cả các lĩnh vực. Trước mắt, hai địa phương sẽ phối hợp cung cấp thông tin, quảng bá kêu gọi các nhà đầu tư TP.Hồ Chí Minh đầu tư vào Ninh Thuận. Phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã đăng ký trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các tour du lịch giúp Ninh Thuận thu hút du khách. Tiếp tục thực hiện chương trình liên kết với Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh và các Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng I, Nhi Đồng II... đào tạo bác sĩ, dược sĩ và xây dựng Bệnh viện vệ tinh để hỗ trợ nghiệp vụ chuyên sâu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đồng thời hai bên còn phối hợp đào tạo, cung ứng lao động và khai thác có hiệu quả tuyến xe khách chất lượng cao từ TP.Hồ Chí Minh đi Ninh Thuận và ngược lại... Cùng với đó, hai địa phương còn tạo điều kiện cho các sở, ngành trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước, cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên tinh thần hợp tác cùng phát triển.

Bà Hoàng Thị Út Lan, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh:

Thời gian qua, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.Hồ Chí Minh và nhiều tổ chức hội, đoàn thể, cá nhân, đơn vị ở thành phố đã đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ cho người nghèo, bệnh nhân nghèo. Trong đó phải kể đến các chương trình lớn như: Mổ tim bẩm sinh, phẫu thuật dị tật, mổ mắt miễn phí; tặng xe lăn, xe lắc tay, xe đạp cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng quà, sách vở cho đồng bào, trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khắp nơi trên địa bàn tỉnh.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh đã tổ chức đưa gần 250 trẻ em vào TP.Hồ Chí Minh mổ tim bẩm sinh; 394 ca phẫu thuật dị tật, khuyết tật; gần 3.000 ca mổ mắt miễn phí và tặng 197 xe đạp, xe lăn, xe lắc tay cùng hàng nghìn phần quà trao tay học sinh, đồng bào nghèo trong tỉnh. Những hoạt động này đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và nhân lên những tấm lòng nhân ái, nghĩa cử đẹp “Một người một tấm lòng nhân đạo”. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh và TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ đem lại nhiều chương trình hướng về người nghèo và bệnh nhân nghèo trong tỉnh, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh nhà.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế -xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận và TP. Hồ Chí Minh (giai đoạn 2005-2014), ngành KHĐT đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: phối hợp, trao đổi kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh, xúc tiến mời gọi đầu tư… Qua quá trình hợp tác, TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đến nghiên cứu, thực hiện đầu tư tại tỉnh, trong đó có một số dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp và “đầu mối” của chương trình hợp tác, ngành KHĐT của 2 địa phương đã kết nối để các ngành, lĩnh vực xúc tiến, triển khai các chương trình hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đã ký kết.

Phát huy những kết quả đạt được và dựa trên những dự báo về tình hình kinh tế trong nước và khu vực, thời gian tới Sở KH&ĐT mong muốn sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở KHĐT TP. Hồ Chí Minh để làm tốt hơn vai trò đầu mối của chương trình hợp tác giai đoạn 2014-2020 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội mà tỉnh ta có tiềm năng và TP. Hồ Chí Minh có thế mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương:

Gần 10 năm qua, ngành Công Thương của TP. Hồ Chí Minh và Ninh Thuận đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa 2 địa phương. Thông qua các nội dung hợp tác, ngành Công Thương của 2 địa phương đã tạo được sự gắn bó, gần gũi để thúc đẩy sự phát triển. Các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đầu tư tại Ninh Thuận đã tạo điều kiện cho ngành Công nghiệp và Thương mại tỉnh nhà phát triển rõ nét, góp phần mở rộng thị trường, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, hướng người dân đến những thói quen mua sắm thuận tiện, hiện đại hơn… Hằng năm, Sở Công Thương của 2 địa phương đã tổ chức cho các doanh nghiệp, các HTX tham gia Hội chợ thương mại tại TP. Hồ Chí Minh và tại tỉnh; phối hợp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa tỉnh …

Tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác, thời gian tới, ngành Công Thương mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn cùng ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhất là trong việc tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước của ngành; tăng cường vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp và nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào Ninh Thuận, tạo điều kiện để tỉnh khai thác tiềm năng, tăng năng lực sản xuất; 2 bên tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thực hiện các kênh phân phối tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận có đầu ra ổn định.

Đồng chí Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Việc triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh với TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã mang lại những hiệu ứng tích cực, tạo sự chuyển biến thực sự đối với môi trường đầu tư và góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, sản phẩm du lịch... tạo chỗ đứng cho ngành Du lịch tỉnh nhà trên bản đồ du lịch Việt Nam. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là từ TP. Hồ Chí Minh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời giải quyết công ăn việc làm, thực hiện tốt các chính sách xã hội tại địa phương. Với những kết quả đạt được, thời gian đến ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn TP. Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ cho tỉnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện kết nối những tour du lịch có điểm đến là Ninh Thuận và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ta đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án du lịch.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:

Từ nhiều năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã có một số chương trình hợp tác với Sở Khoa và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh cũng như các Viện, Phân viện, các trường Đại học đóng trên địa bàn thành phố, chủ yếu là phối hợp tổ chức hội nghị, tập huấn về quản lý công nghệ; cung cấp, chuyển giao một số sáng chế kỹ thuật; triển khai đề án, đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng trên địa bàn tỉnh như: vấn đề nhiễm mặn, chế biến nông-lâm-thủy sản, xây dựng vùng nho nguyên liệu…

Tuy nhiên, quy mô hợp tác diễn ra chưa rộng, tập trung một số lĩnh vực nhất định do chủ yếu dựa trên quan hệ ngành với ngành. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ mong muốn thông qua chương trình ký kết hợp tác giữa tỉnh Ninh Thuận và TP.Hồ Chí Minh tới đây sẽ là cơ sở, cầu nối để mở rộng mối quan hệ, phối hợp hoạt động giữa ngành Khoa học và Công nghệ 2 địa phương, tiến tới xây dựng bản ghi nhớ chương trình hợp tác riêng cho 2 ngành về một số lĩnh vực mạnh của TP.Hồ Chí Minh, như: Quản lý sở hữu trí tuệ; chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật mới; xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao…

BS.Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh:

Là đơn vị thụ hưởng từ nhiều chương trình chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trên lĩnh vực khám, chữa bệnh của các bệnh viện đầu ngành TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn. Bệnh viện đã tiếp cận và được đào tạo, chuyển giao nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế thông qua 3 hình thức: chuyển giao trọn gói kỹ thuật, Đề án 1816 và Đề án bệnh viện vệ tinh. Đến nay, Bệnh viện đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại. Hiệu quả của công tác liên kết, hợp tác chuyên môn giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện đầu ngành ở TP.Hồ Chí Minh còn được khẳng định qua khả năng chẩn đoán bệnh chính xác; chất lượng khám, điều trị thành công nâng cao; tỷ lệ tử vong giảm; tỷ lệ chuyển viện lên tuyến trên giảm từ 60-70% so với những năm trước đây.

Trong chương trình hợp tác giữa Bệnh viện và các bệnh viện đầu ngành ở TP.Hồ Chí Minh thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện 3 khoa vệ tinh cũ (Nhi, Sản và Chấn thương chỉnh hình) theo Đề án Bệnh viện vệ tinh từ nay đến năm 2018); mở rộng thêm khoa vệ tinh Ngoại tổng quát, thành lập đơn vị Tim mạch học can thiệp; đồng thời tiếp tục đào tạo cán bộ và chuyển giao các kỹ thuật mới về Hồi sức cấp cứu- Tích chống độc và kỹ thuật mổ nội soi bướu giáp nhân. Đây chính là những hỗ trợ tích cực về mặt chuyên môn giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tỉnh.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ THÀNH QUẢ QUA GẦN 10 NĂM HỢP TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH

 
Ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh với tỉnh ta.
 
 
Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú đầu tư đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của huyện Ninh Sơn.
 
 
Thông qua chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, với sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp du lịch TP. Hồ Chí Minh
trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận.
Trong ảnh: Phát triển môn thể thao lướt ván tại bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử.
 
 
Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp
cho đồng bào dân tộc thiểu số Cầu Gãy-Đá Hang (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải).
 
 
 Y tế là một trong những chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao những năm gần đây.
Trong ảnh: Chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
 
 
Siêu thị Co-op Mart Thanh Hà (Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh)
là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại ngày càng đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh.