Trần Minh Lực
Ủy Viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
|
Đồng chí Trần Minh Lực Ủy Viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy |
Ngày 15 tháng 10 năm 1930 là ngày diễn ra hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất; ngày 15 tháng 10 năm 1949 là ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận" đăng trên báo "Sự thật", trên cơ sở đó Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 15 tháng 10 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác Dân vận của Đảng. Từ đó đến nay, ngày 15 tháng 10 hàng năm đã đi vào đời sống chính trị của Đảng và nhân dân ta, là dịp để động viên, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ôn lại truyền thống lịch sử dân vận để tiếp tục học tập, công tác tốt hơn.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta xác định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân, chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân, huy động sức dân phải đi đôi bồi dưỡng sức dân, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Do vậy công tác dân vận trong tình hình mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
Trong những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai công tác dân vận trên địa bàn tỉnh toàn diện, rộng khắp và đạt nhiều kết quả. Nổi bật, công tác dân vận chính quyền đã lập đề án, ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chính quyền; thành lập Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở, Ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp về công tác dân vận; chỉ đạo rà soát, bổ sung và xây dựng các quy chế, quy định liên quan đến công tác dân vận, quy chế dân chủ, quy chế đối thoại trực tiếp với nhân dân; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp dân, đối thoại dân chủ với nhân dân để trực tiếp giải quyết công việc trên một số lĩnh vực và giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những bức xúc của nhân dân, tháo gỡ những khó khăn trong đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để thu hút đầu tư..…
Lực lượng vũ trang thường xuyên tiến hành công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, củng cố tăng cường tình đoàn kết quân dân…. góp phần ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Mặt trận, các đoàn thể và hội quần chúng tập trung củng cố, xây dựng tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động ngày càng sâu sát, chặt chẽ. Việc tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật cho quần chúng được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng và rộng khắp các thành phần, đối tượng quần chúng và từng bước đi vào chiều sâu; chăm lo đến quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên, quần chúng. Phương châm “hướng về cơ sở” gắn hoạt động phong trào với vận động quần chúng tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động cách mạng ở cơ sở; tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp, nhất là mô hình “dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng có hiệu quả và thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm triển khai, thực hiện đầy đủ và kịp thời giải quyết những nhu cầu của tôn giáo đúng pháp luật. Kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống nhân dân vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số của tỉnh có bước phát triển về nhiều mặt. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nước sản xuất, nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng ở hầu hết các địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên; an ninh chính trị luôn được giữ vững.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và các lực lượng làm công tác dân vận quan tâm chỉ đạo hướng dẫn, vận động tổ chức thực hiện; trở thành phương châm, phương pháp thực hiện phong trào thi đua yêu nước; được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Phong trào thật sự đã đi vào đời sống của nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tính tích cực, tính chủ động của nhân dân… góp phần quan trọng, đảm bảo trật tự an ninh, an toàn tại địa phương, cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tổ Dân vận thôn, khu phố đã thành lập và đi vào hoạt động, bước đầu có kết quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra ở địa phương. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ về công tác dân vận đầy đủ, sâu sắc hơn; không ít vụ, việc nổi cộm kéo dài thông qua hoạt động tổ dân vận đã giải quyết thấu đáo, có lý, có tình được nhân dân đồng thuận cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở.
Kỷ niệm 84 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị toàn tỉnh quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.