Đến thôn Bỉnh Nghĩa, chúng tôi ghi nhận sự phấn khởi của 47 hộ tham gia mô hình. Chỉ cho chúng tôi xem cặp bò của gia đình, chị Lượng Thị Tới vui mừng, cho biết: Từ khi mua được bò, ngày nào mình cũng cắt cỏ, lấy rơm, cám cho nó ăn thêm. Sau 2 năm chăm sóc, bò đã sinh được 1 bê đực và chuẩn bị sinh lứa thứ 2. Có bò làm vốn, không lo đói nên gia đình hết sức phấn khởi. Cùng chung tâm trạng, bà Thành Thị Đói, một trong những hộ vừa thoát nghèo năm 2013 nói: Sau hơn 3 năm tham gia chương trình, gia đình tôi không những trả hết nợ mà còn “dư” được 2 con bò trị giá gần 40 triệu đồng. Tháng tới bò mẹ sinh thêm bê nên gia đình mừng lắm, tôi lo chăm thật tốt để của cải “nảy nở”.
Chị Lượng Thị Tới thoát nghèo nhờ Chương trình Vay vốn nuôi bò có bảo hành.
Chị Lượng Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bắc Sơn, cho biết: Năm 2011, từ nguồn vốn được cấp 282 triệu đồng, Hội đã phân bổ cho 47 hội viên nghèo thôn Bỉnh Nghĩa vay với mức 6 triệu đồng/hộ để nuôi bò. Sau hơn 3 năm chăm sóc và phát triển đàn bò, hiện có 98% số hộ hoàn trả xong vốn, trên 50% hộ tham gia mô hình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình.
Ngoài thôn Bỉnh Nghĩa, tại các thôn Kiền Kiền 2, Ấn Đạt (Lợi Hải), Xóm Đèn (Công Hải), Chương trình vay vốn nuôi bò có “bảo hành” (đợt 2, năm 2012) của Hội LHPN tỉnh cũng được triển khai, nhân rộng cho hội viên phụ nữ và bước đầu mang lại những kết quả đáng mừng. Nhờ được chăm sóc tốt, số bò thuộc dự án phát triển nhanh, không mắc các dịch bệnh.
Bà Huỳnh Thị Phượng, Trưởng Ban Hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh, từ nguồn vốn ưu đãi của Quỹ tín dụng xoay vòng, thuộc Dự án Phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Núi Chúa, Hội LHPN tỉnh triển khai Chương trình Vay vốn nuôi bò có “bảo hành” tại 3 xã Bắc Sơn, Lợi Hải, Công Hải với số vốn ban đầu là 872 triệu đồng. Tham gia mô hình, mỗi hộ được vay 1 con bò cái trị giá từ 6-10 triệu đồng, bà con được đến tận trang trại của nhà cung cấp chọn giống. Trước khi bàn giao, bò được kiểm tra, tiêm phòng đầy đủ, được “bảo hành” trong vòng 2 năm, đảm bảo phát triển tốt cho đến lúc sinh sản. Qua hơn 3 năm triển khai, nhân rộng, hiện tổng số bò đã tăng lên 156 con, 100% bò giống phát triển tốt.
Để chương trình phát huy hiệu quả, thời gian tới, bên cạnh việc tập huấn kỹ thuật chăm sóc bò, kiểm tra chất lượng, Ban Hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ tham mưu cho Hội LHPN tỉnh thành lập Tổ hợp tác phụ nữ chăn nuôi bò sinh sản tại thôn Xóm Đèn, tạo điều kiện để các hộ vay vốn nâng cao chất lượng đàn bò, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình.
Phạm Lâm