Còn nhiều bất cập
Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, từ năm 2010 đến 2013, tổng Quỹ KCB BHYT là 433 tỷ đồng, trong đó thực chi cho KCB 271,41 tỷ đồng, kết dư quỹ 161,59 tỷ đồng. Bình quân bệnh nhân có BHYT được KCB 2,1 lượt/năm. Trong đó đối tượng nhân dân (nhóm tự nguyện) có tần suất KCB cao nhất, bình quân 5,6 lượt/năm và tỷ lệ chi 307,9%; kế đến là đối tượng hưu trí, tần suất KCB 5,6 lượt/năm, tỷ lệ chi 158,1%. Nhóm hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và học sinh là đối tượng tham gia BHYT cao nhất, gấp 3 lần so với đối tượng là CBVC-LĐ, hưu trí, tự nguyện nhưng tần suất KCB lại thấp nhất 1,3 lượt/năm và tỷ lệ chi bằng 1/3 so với các nhóm đối tượng trên. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh là đối tượng cần được chăm sóc sức khỏe nhiều nhất nhưng ở tỉnh ta thì ngược lại. Tính chung chi phí KCB BHYT trong các năm trên chỉ chiếm 72,2% so với quỹ KCB BHYT được sử dụng.
Cán bộ Trạm Y tế xã Lâm Sơn khám bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT.Ảnh: Thanh Long
Có 8 nhóm nguyên nhân dẫn đến công tác KCB BHYT thời gian qua còn hạn chế, song tập trung nhất đó là: giá dịch vụ KCB thấp, phân tuyến KCB ban đầu chưa phù hợp, tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác tuyên truyền về chính sách BHYT chưa được đẩy mạnh. Cụ thể, giá dịch vụ KCB BHYT thực hiện từ tháng 8-2006, nhưng đến tháng 8- 2012 mới được điều chỉnh tăng, trong khi đó giá vật tư y tế phục vụ cho KCB tăng không ngừng. Khả năng cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng còn hạn chế, mới chỉ tập trung ở tuyến tỉnh và huyện, trong khi đó việc đăng ký KCB ban đầu của đối tượng BHYT lại tập trung chủ yếu các trạm y tế xã, phường (chiếm 56,6%). Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện cả tỉnh mới có 43% trạm y tế có bác sĩ, rất nhiều trạm y tế xuống cấp; một số trạm y tế cần phải xây mới, nâng cấp, mở rộng. Trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ cho KCB như: máy siêu âm, điện tim, đo đường huyết, xét nghiệm nước tiểu... hầu hết các trạm y tế chưa được trang bị. Chính vì những khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của tuyến y tế cơ sở như trên, nhưng số lượng người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu lại “đổ dồn” về đây nên dẫn đến tình trạng quá tải, chất lượng KCB hạn chế. Đơn thuốc tuyến xã bình quân gần 30.000 đồng/đơn. Ông Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viên Đa khoa tỉnh cho biết: Trong những năm gần đây tình trạng bệnh nhân có BHYT vượt tuyến đến KCB tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh gia tăng. Năm 2013, bệnh nhân có BHYT phải đóng tiền KCB vượt tuyến là 3,4 tỷ đồng; 9 tháng năm 2014 là 4,9 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Nhằm chấn chỉnh kịp thời những bất cập trong công tác KCB BHYT, cùng với việc chỉ đạo ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ ngay những vướng mắc nêu trên, ngày 31-12-2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 91/2013/QĐ-UBND về Ban hành quy định đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã điều chỉnh tăng giá dịch vụ KCB, mức tăng bình quân là 3,94 lần, trong đó nhiều dịch vụ tăng trên 10 lần và số dịch vụ bổ sung mới là 292 dịch vụ. Đã có một số đối tượng tham gia BHYT trước đây đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã, phường, nay được chuyển sang KCB tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố hoặc phòng khám đa khoa khu vực gần nơi cư trú, công tác. Tuy nhiên việc phân tuyến KCB ban đầu cho đối tượng có BHYT theo Quyết định 91/2013/QĐ-UBND triển khai vẫn còn chậm; việc thanh toán kinh phí vượt trần cho các cơ sở KCB còn kéo dài…
Vấn đề đặt ra để nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân, yếu tố quyết định hàng đầu đó là khả năng cung cấp dịch vụ y tế. Nhìn lại thực trạng mạng lưới y tế ở tỉnh ta cho thấy hầu hết tuyến y tế cơ sở (tuyến xã, phường) chưa đáp ứng đủ điều kiện KCB do thiếu nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất. Hiện toàn tỉnh chỉ có 17 cơ sở y tế công lập thực hiện cung cấp dịch vụ KCB, trong đó tuyến tỉnh chỉ có 7 cơ sở (hạng II), số dịch vụ y tế hạng I và hạng đặc biệt chưa nhiều.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác BHYT do HĐND tỉnh tổ chức ngày 30-9, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh khẩn trương khắc phục ngay những hạn chế trong điều hành, thực hiện công tác HBYT; đẩy nhanh việc thực hiện phân tuyến đăng ký KCB ban đầu cho đối tượng tham gia BHYT; rà soát lại giá dịch vụ y tế để điều chỉnh cho phù hợp. Ngành Y tế tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân. Tăng cường công tác đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHYT để nhân dân tự nguyện tham gia ngày càng cao, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Thu Thủy