* Sự kiện
- Ngày 4-10-1921: Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội Liên hiệp Thuộc địa mà mình đã tham gia sáng lập. Thời gian này, tuy mới thành lập Hội đã có gần 100 hội viên, phần lớn là những người trước đây ở trong Hội những người Việt Nam yêu nước và Hội đấu tranh cho quyền công dân của người Mađagátxca thành lập ở Pháp.
- Ngày 4-10-1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Em Khôn và anh Nghếch”, ký bút danh Đ.X., đăng báo Cứu quốc, số 2179. Bài báo nêu gương mưu trí, dũng cảm của các em thiếu nhi tỉnh Hải Dương. Trong một cuộc càn quét của giặc, các em tìm cách dẫn chúng vào trận địa phục kích của du kích. Nhận được ám hiệu của các em, du kích đã nổ súng tiêu diệt giặc.
- Ngày 4-10-1960: nhân ngày Tết của thiếu nhi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo Quân đội Nhân dân, số 796, bài “Trung Thu sẽ sáng cả hai miền...” (với bút danh “Chiến Sĩ”). Bài báo cho rằng: “Trăng Thu đẹp quá nhưng chưa sáng cả hai miền...” vì các thế lực chia cắt đất nước, nhưng “Chúng nó không thể mãi mãi cướp đoạt ánh trăng thu của các bạn thiếu nhi miền Nam đâu. Nhân dân Việt Nam sẽ quật đổ chúng xuống, cho trăng Thu sáng cả hai miền, cho thiếu nhi Nam-Bắc cùng ca một bài, cùng nhảy một điệu, cùng nối vai nhau hát “Kết đoàn”, múa rồng rắn, một đoàn múa khổng lồ dài suốt từ Bắc vào Nam”.
- Ngày 4-10-1961: Ngày phòng cháy chữa cháy. Cách đây 53 năm, ngày 4-10, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy. Pháp lệnh ghi rõ: “Việc phòng cháy chữa cháy là nghĩa vụ của mỗi công dân. Mỗi công dân phải tích cực đề phòng không để tai nạn cháy xảy ra, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân theo các quy định về phòng cháy, chuẩn bị sẵn sàng để khi cần có thể chữa cháy kịp thời và có hiệu quả”. Từ đó, ngày 4-10 trở thành Ngày phòng cháy chữa cháy và việc phòng cháy chữa cháy đã được nâng lên thành nhiệm vụ của toàn dân. Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy mọi lúc mọi nơi, nhằm hạn chế những thiệt hại do cháy, nổ gây ra đối với con người, môi trường và xã hội.
- Ngày 4-10-2011: Hội nghị toàn quốc tổng kết phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi lần thứ III, giai đoạn 2007-2011. Theo báo cáo của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, trong giai đoạn 2007-2011, toàn Hội đã giảm được trên 132.800 hộ nghèo, tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo theo tiêu chí cũ giảm từ 7,67% năm 2007, xuống còn 3,67% năm 2010, số hộ khá và giàu tăng lên 52,67% đã xóa được trên 21.700 nhà tranh tre, dột nát cho gia đình cựu chiến binh.Giai đoạn 2012-2017, Trung ương Hội phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo, xóa hết nhà dột nát cho cựu chiến binh. Hội phấn đấu mỗi năm giảm 2,5%-3% hộ nghèo đối với các huyện nghèo, Hội tập trung chỉ đạo giảm được 4%-4,5% hộ nghèo, đến năm 2017 cơ bản hết hộ cựu chiến binh nghèo.
* Nhân vật
- Ngày 4-10-1920: Ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Con đường thơ của Tố Hữu bắt đầu gần như cùng lúc với con đường hoạt động cách mạng. Cả cuộc đời của Tố Hữu là cho cách mạng, mà điểm nổi trội là trên mặt trận văn hoá - văn nghệ. Ông đã tự bạch: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ. Đối với tôi: Trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ!”. Tố Hữu từng giữ các chức vụ quan trọng như: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng... Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 9-12-2002.
- Ngày 4-10-2013: Ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một pho sử vàng, một huyền thoại gắn liền với cuộc kháng chiến giành và bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự đã trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam. Ông góp phần xứng đáng vào việc hình thành học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn.Với bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ông là một chiến lược gia quân sự xuất sắc vì những chiến công hiển hách lẫy lừng của ông đã cổ vũ và góp phần cho cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức.
Theo TTXVN