1. Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng vì Ukraine (U-crai-na). Giữa tuần qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố lá thư của Chủ tịch EC gởi Tổng thống Nga V.Putin (V.Pu-tin) bày tỏ quan ngại về việc Chính phủ Nga công bố sắc lệnh đề xuất áp đặt những rào cản thương mại mới đối với Ukraine, liên quan tới thỏa thuận liên kết giữa châu Âu và Ukraine và cảnh báo Nga không nên áp đặt các đòn trừng phạt mới nhằm vào Kiev (Ki-ép).
Moskva (Mát-xcơ-va) cho rằng, thỏa thuận liên kết EU-Ukraine sẽ làm phương hại tới nền kinh tế Nga, đồng thời cảnh báo sẽ hạn chế Ukraine tiếp cận các thị trường của Moskva nếu Kiev thực hiện thỏa thuận và Tổng thống Nga muốn tiến hành các cuộc đàm phán 3 bên để sửa đổi thỏa thuận này. Tuy nhiên, EU lại cho rằng, chỉ có EU và Kiev mới là cac bên có quyền tham gia đàm phán về thỏa thuận.
Một diễn biến liên quan tạo thêm căng thẳng quan hệ Nga-Ukraine và có thể ảnh hưởng tới thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được hồi đầu tháng giữa Kiev và lực lượng ly khai, khi cả hai nước mở các cuộc điều tra lẫn nhau. Nga đã mở cuộc điều tra hình sự đối với các nhà lãnh đạo Ukraine về cái mà nước này gọi là hành vi diệt chủng của Chính quyền Kiev đối với cộng đồng người nói tiếng Nga tại miền Đông Ukraine. Đáp lại, Chính quyền Ukraine cũng có những cáo buộc Nga về việc hỗ trợ quân ly khai miền Đông chống chính phủ.
Nhân viên WHO trong trang phục ở vùng dịch Ebola tại các nước Tây Phi.
Cuộc chiến ở miền Đông Ukraine nổ ra từ tháng 3 vừa qua, nhưng kéo theo nó là sự đối đầu Đông-Tây căng thẳng chưa từng có.
2.Việc Mỹ và các đồng minh mở các cuộc không kích vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là sự kiện quốc tế được quan tâm nhiều nhất trong tuần.
Tiếp sau Mỹ, ngày 30-9, Không quân Hoàng gia Anh đã tiến hành không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq. Theo Bộ Quốc phòng Anh, các máy bay Toronado đã phá hủy một số trang bị vũ khí hạng nặng của IS. Trong khi đó, Lầu Năm góc cho hay, các chiến đấu cơ của Mỹ tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS gần thị trấn Ain al-Arab nằm trên biên giới giựa Syria (Xi-ri) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây vẫn chần chừ trong việc tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại lực lượng IS. Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỷ Recep Tayyip Erdogan (Ri-xếp Tây-díp Éc-đô-gan) đã khẳng định, sẽ cung cấp mọi đóng góp cần thiết để chống lại IS. Đã có ít nhất 15 xe tăng cùng các xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ tiến về thị trấn Kobani, gần biên giới Syria, sau khi IS gia tăng các cuộc tấn công tại khu vực biên giới.
3.Kể từ khi bùng phát ở Tây Phi tháng 12 năm ngoái, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Ebola đã khiến hơn 3.000 người tử vong trong tổng số hơn 6.500 ca nhiễm ở 5 quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh hoành hành. Theo công bố của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), tính đến cuối tháng 9 này ít nhất 3.700 trẻ em ở Guinea (Ghi-nê), Liberia (Li-bê-ri) và Sierra Leone (Xi-e-ra Li-ôn) lâm vào cảnh mồ côi do cha mẹ tử vong vì Ebola. Tại Sierra Leone, UNICEF có kế hoạch huấn luyện hơn 2.500 người được chữa khỏi Ebola để làm công tác chăm sóc trẻ em tại các Trung tâm y tế. Tại Guinea, UNICEF đang chăm sóc cho khoảng 6.000 trẻ em mồ côi.
Trong khi đó, Chính quyền Mỹ đã lên kế hoạch triển khai hơn 1.000 binh sĩ tới Liberia-quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh nguy hiểm chết người này. Kế hoạch này được Mỹ triển khai sau khi phát hiện trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại nước này. Bệnh nhân phát bệnh 4 ngày sau khi trở về từ Liberia.
WHO cũng vừa thông báo, có 2 loại vácxin chống lại virus Ebola cho những kết quả tích cực trong giai đoạn đầu thử nghiệm. Tuy nhiên, Trợ lý Giám đốc WHO-bà Marie-Paule Kieny (Ma-ri Pôn-lơ Ki-e-ni) cho hay, các loại vácxin này vẫn ở trong giai đoạn thử nghiệm. Dự kiến vào đầu năm tới, WHO sẽ chỉ đưa vào điều trị thử cho một số lượng giới hạn đối tượng, bao gồm các nhân viên y tế.
PV