Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện nay GDMN hệ công lập trên địa bàn tỉnh ta còn thiếu 54 cán bộ quản lý, 226 giáo viên (GV) và 79 nhân viên y tế, văn thư (thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở GDMN công lập). Các trường MN thiếu cán bộ, GV, nhân viên nhiều nhất tập trung ở các huyện: Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải và Tp. Phan Rang –Tháp Chàm.
Giờ sinh hoạt của các cháu Trường Mẫu giáo Phước Diêm (Thuận Nam).
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của GDMN, cụ thể là khó khăn cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ không đảm bảo để hướng đến đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Vì thiếu biên chế theo quy định nên GV phải dạy vượt giờ hoặc kiêm nhiệm nhiều việc, thiếu tính chuyên môn sâu. Điển hình như ở Trường Mẫu giáo Khánh Hải (Ninh Hải) hiện nay có đến 7 cơ sở nhưng chỉ có một hiệu trưởng, không có hiệu phó, nên việc đi lại giữa các cơ sở để nắm bắt tình hình và công tác quản lý, chỉ đạo gặp rất nhiều khó khăn. Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng không có nhân viên y tế học đường, cấp dưỡng. Cô giáo Lê Thị Thủy Linh, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng (thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn) cho biết: Trường hiện có trên 250 trẻ được tổ chức học cả ngày và ăn bán trú tại trường, nhưng không có nhân viên y tế học đường nên mỗi lần các cháu có biểu hiện bệnh hay xây xước khi nô đùa giáo viên phải đưa cháu lên Trung tâm y tế hoặc gọi phụ huynh đến đưa đi khám bệnh. Nhu cầu tăng biên chế cho GDMN đang là bài toán khó của tỉnh, bởi thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2014 và Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2014 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Từ nay đến năm 2016, cơ bản không tăng thêm biên chế (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới).
Cùng với thiếu biên chế, cơ sở vật chất không đảm bảo cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của GDMN tỉnh ta hiện nay. Toàn tỉnh hiện có 519 phòng học của GDMN công lập, còn thiếu 177 phòng học để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Trong số phòng học hiện có, tỷ lệ phòng kiên cố chỉ chiếm 19,8%; phòng học nhờ, học tạm chiếm 24,1%, còn lại phần lớn là phòng học bán kiên cố. Nhiều nơi phòng học được xây dựng riêng lẻ theo từng thôn để giải quyết việc học tập của trẻ em nên chưa đảm bảo quy cách về diện tích, thiếu ánh sáng, không có nhà vệ sinh, sân chơi, tường rào… Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thuận Nam và Ninh Phước là 2 địa phương gặp khó khăn nhất về cơ sở vật chất của GDMN hiện nay. Riêng 2 xã Phước Diêm và Cà Ná của huyện Thuận Nam hiện chỉ mới có 1 trường MN và còn thiếu đến 9 phòng học. Xã Phước Thái (Ninh Phước) là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhưng đến nay Trường Mẫu giáo vẫn thiếu phòng học phải học nhờ nhà dân. Ngay ở thị trấn Phước Dân, Trường MN Sơn Ca vẫn còn 2 phòng học tạm đã xuống cấp, 2 điểm trường ở Chung Mỹ và Mỹ Nghiệp phải học nhờ nhà trụ sở Ban quản lý khu phố, không có nhà vệ sinh cho các cháu… Phòng học không đảm bảo, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở nhiều địa phương hiện nay rất thấp.
Cơ sở vật chất và nhân lực thật sự là bài toán khó để phát triển GDMN của tỉnh ta hiện nay. Bởi đây là 2 yếu tố quyết định để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng… Theo kế hoạch, tỉnh ta phấn đấu đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nhưng mục tiêu này sẽ rất khó hoàn thành nếu những khó khăn trên không được tháo gỡ.
Bích Thủy