Theo Tờ trình của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) gồm Phần mở đầu, 9 chương, 42 điều, tăng thêm 5 chương, 24 điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung hầu hết các điều, chỉ giữ lại hai điều (Điều 5, nay là Điều 5 mới; Điều 8, nay là Điều 20 mới).
Một trong những vấn đề được đưa ra lấy ý kiến UBTVQH tại phiên họp chiều nay là việc giữ đoạn Mở đầu của Luật. Theo Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về vấn đề này còn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhưng cần sửa đổi, bổ sung nhằm khẳng định truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị bỏ đoạn Mở đầu, vì hiện nay ngoài Hiến pháp, các văn bản luật mới ban hành không có phần này.
“Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) nên kế thừa đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhằm khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong mối quan hệ với Đảng, với nhân dân; sự kế tục truyền thống vẻ vang qua các thời kỳ lịch sử và trách nhiệm của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Việc này không làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như nội dung của Luật” – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho hay.
Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nêu rõ: Trong thời gian qua, thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và của Ủy ban thường vụ Quốc hội, theo đó các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đều không có đoạn Mở đầu mà nêu ngay căn cứ và cơ quan ban hành văn bản. Do đó, đề nghị cân nhắc không nên có đoạn Mở đầu để bảo đảm thống nhất về hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản luật; trường hợp cần nhấn mạnh vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam thì nên được thể hiện thành các nội dung điều khoản trong Luật.
Trái với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chưa có quy định nào cấm đoạn Mở đầu trong luật. Nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng của MTTQ trong hệ thống chính trị, bà bày tỏ đồng ý giữ đoạn Mở đầu trong dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị dự thảo giữ đoạn Mở đầu để đưa ra Quốc hội thảo luận xem có nên giữ lại hay không.
Một vấn đề khác được xin ý kiến UBTVQH là việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng và giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật là không quy định việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng, vì Hiến pháp cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay của Nhà nước ta hầu như không có quy định cụ thể về vấn đề này mà do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định.
Một số ý kiến khác cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc “giám sát và phản biện xã hội” đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của Nhân dân”. Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.
Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc thể chế hoá chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết.
Về đối tượng và nội dung phản biện xã hội, qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ phản biện xã hội đối với nhiều lĩnh vực, đối tượng thì đòi hỏi MTTQ Việt Nam ở các cấp phải kiện toàn cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Trong điều kiện hiện nay thì phải chăng chỉ nên giới hạn phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam như quy định của dự thảo Luật là phù hợp.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu của phản biện xã hội là để tham gia xây dựng Nhà nước, do đó không nên chỉ giới hạn phản biện đối với dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước mà phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi vì, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.
Ngoài vấn đề nêu trên, một số ý kiến cho rằng, quy định về cơ chế để thực hiện phản biện xã hội trong dự thảo Luật cần được cân nhắc. Dự thảo Luật cần làm rõ hơn giá trị pháp lý của hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận; bổ sung các nội dung cụ thể cần được phản biện xã hội, quy trình thực hiện phản biện xã hội; cần quy định cụ thể hình thức phản biện xã hội chứ không nêu chung chung; cần xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản bị phản biện xã hội đối với kiến nghị sau phản biện; xác định rõ mối quan hệ giữa phản biện xã hội với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của Nhà nước, chẳng hạn trong quy trình lập pháp, phản biện xã hội ở giai đoạn nào, thủ tục ra sao, nếu không có phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thì dự án Luật có đủ điều kiện để trình ra Quốc hội hay không? Đây là các vấn đề cần được làm rõ.
Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những quy định của dự thảo luật. Song đề nghị nghiên cứu cơ chế giám sát và phản biện xã hội hợp lý, tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các cơ quan khác của nhà nước.
Mặt khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cân nhắc hình thức giám sát. “Nếu chúng ta quy định hình thức tổ chức đoàn giám sát thì sẽ hành chính hóa và nhà nước hóa hoạt động giám sát của Mặt trận. Mặt trận giám sát phải khác, không phải như đoàn giám sát của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân mà là giám sát qua nhân dân, qua các tổ chức của Mặt trận bằng nhiều hình thức, đi vào đời sống” - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trên cơ sở báo cáo thẩm tra, báo cáo dự kiến tiếp thu giải trình, chỉnh lý lại Tờ trình, dự thảo luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam