Đề xuất bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), trong đó có đề xuất bổ sung thêm 7 quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với yêu cầu về quản lý, lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Sáng 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Không quy định cụ thể các bộ, cơ quan ngang bộ

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, xây dựng Chính phủ mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, phát huy mạnh mẽ dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, kiến tạo, phát triển đất nước.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình tại phiên họp UBTVQH sáng 30/9.
(Ảnh: vov.vn)

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được kết cấu gồm 08 Chương, 50 Điều.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự luật là về tổ chức của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, dự thảo Luật quy định theo hướng không quy định cụ thể số lượng và tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bao gồm: bộ, cơ quan ngang bộ. Số lượng và tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo từng nhiệm kỳ. “Như thế sẽ bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải thích.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, khi thẩm tra dự luật, qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật không quy định “cứng” số lượng và tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật này nhằm bảo đảm tính năng động, sự chủ động của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ. Đây cũng là cách mà chúng ta đã làm từ nhiều nhiệm kỳ gần đây.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị xác định cụ thể số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong dự thảo Luật. Ý kiến này cho rằng, hiện nay các nhóm quan hệ xã hội thuộc đối tượng của quản lý nhà nước đã được xác định tương đối rõ, có thể định hình và giao cho một cơ quan cụ thể để quản lý. Thực tiễn cũng cho thấy, trong Luật Tổ chức Quốc hội đã xác định cụ thể số lượng, tên gọi và chức năng của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Do vậy, việc quy định cụ thể các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật sẽ tạo nên sự ổn định cho bộ máy Chính phủ.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ đồng tình việc không quy định cụ thể Chính phủ có bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải đưa ra được nguyên tắc, tiêu chuẩn thành lập cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Dự thảo luật ghi rất đơn giản, không thể hiện được yêu cầu đặt ra”.

Cân nhắc bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ

Theo cơ quan soạn thảo, một trong những hạn chế của Luật hiện hành là nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ còn bị hạn chế. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thẳng thắn chỉ rõ, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ chưa bao quát hết các lĩnh vực và chưa tương xứng với vị trí của người đứng đầu Chính phủ và đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước. Thủ tướng Chính phủ chưa thực sự trở thành một thiết chế hữu hiệu để giải quyết các vấn đề cụ thể và mới phát sinh trong hoạt động của Chính phủ. Chưa có sự phân định rành mạch về nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ và với Bộ trưởng; chưa xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người lãnh đạo Chính phủ như là một thiết chế độc lập; của Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu một cơ quan của Chính phủ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

Do đó, dự luật đã quy định chi tiết và thể hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ quy định theo Hiến pháp và cụ thể hóa một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, bổ sung thêm 7 nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với yêu cầu về quản lý, lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có một số nhiệm vụ như: Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; Tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ vừa với tư cách là thiết chế hiến định có thẩm quyền riêng. Do đó, đề nghị nên xây dựng Chương này quy định về: địa vị pháp lý của Thủ tướng; cơ chế bầu Thủ tướng; thẩm quyền của Thủ tướng; mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ với Chính phủ và với các thành viên khác của Chính phủ.

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự thảo chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp. Đồng thời, các quy định này phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho hay, Ủy ban này đề nghị: Cân nhắc 3 thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp quy định của Hiến pháp gồm: Giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.

“Bởi vì, trường hợp các biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến pháp mà không thể quy định chung thẩm quyền này cho Thủ tướng Chính phủ như quy định của dự thảo Luật” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam