Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm:
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31-8, tổng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh là 69,7 tỷ đồng. Cụ thể, số tiền nợ BHXH 28,93 tỷ đồng; BHYT 39,47 tỷ đồng và BHTN 1,35 tỷ đồng. Số DN nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên có 318 đơn vị, DN với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng. “Điểm danh” một số DN có số tiền nợ BHXH trong thời gian dài với số tiền lớn phải kể đến như: DNTN Thương mại-Dịch vụ tổng hợp Thiện Tâm nợ 43 tháng, số tiền trên 100 triệu đồng của 6 lao động; Công ty TNHH XDTM & SX Nam Thành, nợ 5 tháng, số tiền trên 1,4 tỷ đồng của 258 lao động… Không chỉ các DN, tình trạng nợ tiền BHXH cũng xảy ra tại nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp, nhất là UBND các xã, phường. Điển hình như UBND phường Mỹ Hương nợ 5 tháng, với số tiền gần 70 triệu đồng; UBND phường Thanh Sơn nợ 4 tháng, số tiền trên 60 triệu đồng… Ông Nguyễn Quang Công, Trưởng Phòng Thu BHXH tỉnh cho biết: Việc các đơn vị, DN nợ tiền bảo hiểm, điều này có nghĩa người lao động sẽ không được hưởng rất nhiều chế độ, chính sách. Quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hàng chục ngàn lao động đang bị xâm phạm.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận trong giờ sản xuất.
Một trong những nguyên nhân khiến số tiền nợ BHXH ngày một tăng là do thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn. Điển hình như Công ty CP Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận, trước đây chấp hành nghiêm túc việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tuy nhiên do tình hình sản xuất, kinh doanh 2 năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn, thua lỗ nên mặc dù đã hết sức nỗ lực, đến nay vẫn còn nợ trên 1,95 tỷ đồng BHXH của 429 lao động, thời gian nợ tính đến nay là 7 tháng. Hay như Công ty CP Phát triển & Kinh doanh Nhà Ninh Thuận đến nay nợ 12 tháng BHXH, với tổng số tiền trên 344 triệu đồng của 29 lao động…
Bên cạnh những DN do khó khăn không đủ nguồn tài chính đóng BHXH cho người lao động, có nhiều DN “ăn nên làm ra” nhưng vẫn cố tình chây ì. Ngoài ra, theo quy định, DN buộc phải đóng BHXH cho tất cả lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Lợi dụng quy định này, nhiều chủ DN đã cố tình không thực hiện ký kết hợp đồng lao động, hoặc chỉ ký hợp đồng lao động theo thời vụ, dưới 3 tháng, mặc dù người lao động phải làm việc có tính chất lâu dài, nhằm “lách luật” để trốn tránh đóng BHXH cho người lao động. Đây cũng là lý do vì sao có rất nhiều DN có nhiều lao động, nhưng khi gửi danh sách lao động được đóng BHXH chỉ có vài người. Như vậy, hiện vẫn còn rất nhiều lao động đang chịu thiệt thòi, không được hưởng các chế độ, chính sách từ BHXH, BHYT, BHTN đáng lý ra họ có quyền được hưởng, mà cơ quan chức năng chưa thể thống kê, quản lý được.
Chế tài chưa đủ mạnh
Ngoài việc phối hợp tổ chức các đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát, đầu năm đến nay, BHXH các địa phương đã gửi đơn khởi kiện 17 đơn vị, DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Qua quá trình hòa giải, BHXH các cấp đã rút đơn khởi kiện 16 DN. Tuy nhiên theo ý kiến của ngành BHXH, việc khởi kiện tòa cũng chưa phải là phương án tối ưu để giải quyết trình trạng nợ đọng BHXH như hiện nay. Vì trên thực tế, có một số DN thua kiện buộc phải đóng tiền nợ BHXH, nhưng vẫn không chấp hành phán quyết của tòa. Trong khi đó các thủ tục thu nợ lại rất phức tạp, khó thực hiện...
Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, có hiệu lực từ tháng 10-2013, mức xử phạt đối với người sử dụng lao động chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN hoặc đóng không đúng đã tăng lên 75 triệu đồng (quy định cũ là 30 triệu đồng), tuy nhiên, so với mức phạt này cũng chưa tương xứng vì đối với một số DN, nhất là các DN nợ tiền BHXH với số tiền lớn chấp nhận đóng tiền phạt hơn là trả nợ vì mức lãi suất chậm đóng BHXH vẫn thấp hơn nhiều so với mức lãi suất vay ngân hàng. Điều đáng nói là mặc dù là đã có luật, quy định chế tài rõ ràng, nhưng từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đơn vị, DN nào vi phạm bị xử phạt hành chính. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến sự chây ì về đóng bảo hiểm.
Như vậy, để giải quyết bài toán nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các ngành chức năng cần phải “mạnh tay” hơn trong việc thực hiện các biện pháp chế tài, nâng cao tính răn đe, ý thức chấp hành pháp luật của các DN trong lĩnh vực này, góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Nguyên Vũ