Nợ xấu không còn là vấn đề của riêng ngân hàng

Các đại biểu dự diễn đàn kinh tế mùa thu 2014 cho rằng xử lý nợ xấu vẫn còn rất phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém và kiến nghị cần có giải pháp đột phá thì mới hiệu quả.

Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì vừa khai mạc ngày 27/9 tại tỉnh Ninh Bình có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia kinh tế trong nước, các tổ chức quốc tế.

 

Với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”, nhiều ý kiến của các chuyên gia đề cập đến việc xử lý điểm nghẽn của nền kinh tế (vẫn chưa giải quyết được) là nợ xấu để “chuyển biến mạnh mẽ”, mặc dù nợ xấu đã được kiềm chế.

Theo số liệu của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, số nợ xấu xử lý năm 2012 là 69.000 tỷ đồng, năm 2013 là gần 98.000 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm đạt hơn 33.650 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 300 ngàn tỷ đồng dư nợ đã được cơ cấu lại góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn tài chính và tiếp cận vay vốn bình thường.

Đến cuối tháng 7/2014, VAMC đã mua được gần 54 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu so tổng dư nợ 4,17% (theo TCTD báo cáo) và khoảng 8,2% (nếu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại).

Nợ xấu đến cuối tháng 6/2014 tăng 38,2% so với đầu năm, tuy nhiên, so với cùng kỳ các năm trước, mức tăng trưởng nợ xấu đã tiếp tục được kiềm chế (6 tháng đầu năm 2011, 2012 nợ xấu tăng tương ứng là 43,7% và 48,9%).

Ông Nguyễn Đức Kiên ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD trong xử lý nợ xấu, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. Các giải pháp xử lý nợ xấu được ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Mô hình hoạt động của Công ty VAMC bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng.

Tuy nhiên, ông Kiên và các chuyên gia Trần Du Lịch, Ngô Trí Long,... cho rằng xử lý nợ xấu vẫn còn rất khó vì nền kinh tế vẫn còn trì trệ; khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu sự rõ ràng, minh bạch, đồng bộ; sự phối hợp giữa các ngành để xử lý tổng thể về thị trường trong tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa chặt chẽ và có hiệu quả, chỉ vẫn từ nỗ lực và sự chủ động của ngành Ngân hàng.

Với mô hình của VAMC, các đại biểu cũng cho rằng chức năng và năng lực tài chính còn hạn chế (vốn điều lệ nhỏ, mua nợ bằng trái phiếu chứ không phải là tiền, vướng thủ tục khi bán tài sản đảm bảo... ) nên xử lý nợ xấu bị chậm lại.

Để đẩy nhanh xử lý nợ xấu có hiệu quả, các đại biểu đề xuất cấp có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện khuôn pháp lý, tạo cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp phục vụ cho việc xử lý nợ xấu.

Chuyên gia Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi bổ sung các dự án Luật Nhà ở theo hướng phát triển thị trường nhà ở, mở rộng đối tượng sở hữu nhà ở và hình thành thị trường nhà ở tương lai; sửa đổi Luật Dân sự theo hướng bảo vệ quyền của chủ nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán, phát mại tài sản bảo đảm; sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản.

Vẫn theo kiến nghị của ông Lịch, Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ; hoàn thiện các quy định tài chính về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại, cổ phần hóa, xóa nợ, cơ cấu lại nợ, hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp; Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản của Công ty VAMC,...

Đối với hoạt động của VAMC, nhiều chuyên gia kiến nghị phải bổ sung năng lực tài chính cho VAMC. Theo TS. Ngô Trí Long cần cho VAMC một cơ chế thị trường và nguồn lực tài chính khoảng 3.000- 5.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu thay vì chỉ có 500 tỷ như hiện nay. Còn ông Trần Du Lịch thì cho rằng: “Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ”.

Nguồn www.chinhphu.vn