UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều ngày 23/9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thay mặt Ban soạn thảo, Phó trưởng Ban công tác đại biểu Hà Minh Sơn cho biết, dự thảo Luật bầu cử cụ thể hóa việc tuyên truyền, vận động bầu cử thành một chương riêng trên cơ sở Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền vận động bầu cử, nguyên tắc thời gian vận động bầu cử, những hành vi bị cấm trong khi vận động bầu cử, phương thức tổ chức, hình thức tiến hành vận động bầu cử. Dự thảo Luật xác định rõ hai hình thức vận động bầu cử: Vận động bầu cử thông qua Hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong quá trình soạn thảo có ý kiến đề nghị bổ sung thêm hình thức người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri. Ý kiến khác cho rằng, không nên quy định hình thức này bởi cách thức tổ chức bầu cử ở nước ta có đặc thù riêng, người ứng cử phần lớn do cơ quan, tổ chức giới thiệu, do vậy, những người này không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với những người tự ứng cử.

Theo ông Hà Minh Sơn, thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác. “Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử”- ông Sơn nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đối với thực tiễn Việt Nam thì hai hình thức này là hợp lý. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nhiều ý kiến khác cho rằng: Không nên quy định cứng các hình thức vận động bầu cử mà chỉ nên quy định những điều cấm trong bầu cử.

Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng là nội dung được các thành viên UBTVQH quan tâm thảo luận. Theo ông Hà Minh Sơn, Hội đồng bầu cử Quốc gia là thiết chế mới được quy định trong Hiến pháp. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, dự thảo quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và thiết kế một mục riêng trong chương III.

Thẩm tra dự luật, Ủy ban pháp luật nhận thấy Hội đồng bầu cử Quốc gia là một thiết chế hiến định, với những chức năng đã được xác định rõ là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Chủ tịch Hội đồng do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, các thành viên khác do Quốc hội phê chuẩn.

“Qua thảo luận, Ủy ban pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về cơ cấu, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần được tiếp tục rà soát, làm rõ thêm để bảo đảm các quy định của Luật về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của Hội đồng này phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp. Cụ thể là nội hàm của việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, trách nhiệm của Hội đồng này đến đâu trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; mối quan hệ giữa Hội đồng bầu cử quốc gia với chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cũng như với các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quy trình bầu cử....

Quan tâm đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, cả hai luật là Luật Tổ chức Quốc hội và Luật này đều nhắc tới Hội đồng bầu cử Quốc gia nhưng quy trình để thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia thì chưa luật nào đề cập. Bà cũng đề nghị xem lại nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử Quốc gia là “lập, công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội; xóa tên người ứng cử trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội”. Theo bà, nhiệm vụ này nên giao các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, còn Hội đồng bầu cử Quốc gia chỉ xem xét, thông qua danh sách.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng cho rằng: Hội đồng bầu cử Quốc gia là chế định của Hiến pháp nhưng dự luật còn quy định chung chung, chưa làm rõ vai trò của Hội đồng bầu cử Quốc gia trong chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Do đó ông đề nghị dự luật cần làm rõ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Hội đồng bầu cử Quốc gia./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam