Giao Tòa án thẩm quyền điều tra: Liệu có ”lấn sân”?

Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung quy định Tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc Tòa án có quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự.

Đây là một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quan tâm khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), sáng 23/9 tại Hà Nội.

Đề xuất giao Tòa án thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ

Theo Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Trương Hòa Bình (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo), việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự rất nghiêm khắc, trực tiếp xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân. Hơn nữa, với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra không bổ sung, thậm chí đình chỉ vụ án, Tòa án cũng không có cơ sở pháp lý để kiểm soát hiệu quả hoạt động này.

Để bảo đảm công lý, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cần thiết bổ sung quy định Tòa án phải được kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng hình sự từ điều tra, truy tố, xét xử (ví dụ: trong trường hợp việc áp dụng biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát…. trái pháp luật thì Tòa án có quyền hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp đó và có thể thay thế bằng các biện pháp khác do luật định…)

 

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình giải trình về các đề xuất. (Ảnh: dangcongsan.vn)

TAND tối cao đề nghị, trong những trường hợp cần thiết, Tòa án có thẩm quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ (hoặc trực tiếp chỉ đạo điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ) đối với những vụ án mà Viện Kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã thụ lý để bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trường hợp trong quá trình xét xử, nếu Tòa án phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm hoặc có người phạm tội mới thì Tòa án khởi tố vụ án để chuyển cho Cơ quan điều tra tiến hành điều tra như quy định tại Điều 104 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

“Có giao Tòa án thẩm quyền này thì Tòa án mới là “trung tâm của hoạt động tư pháp” chứ không phải là khâu cuối của tố tụng hình sự như quy định hiện này”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Đồng thời, Chánh án Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh, việc giao thẩm quyền này cho Tòa án sẽ góp phần khắc phục những hạn chế bất cập trong việc Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung như hiện nay. Bởi, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra không bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, thậm chí đình chỉ vụ án thì Tòa án không có cơ sở pháp lý để kiểm soát có hiệu quả hoạt động này.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy tại điểm b khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật đã quy định “Thông qua hoạt động xét xử, xem xét và kết luận về tính hợp pháp các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét và kết luận tính hợp pháp các chứng cứ, tài liệu do Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập, Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp; yêu cầu Viện Kiểm sát điều tra, xác minh thu thập bổ sung chứng cứ; yêu cầu Điều tra viên trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm” là phù hợp với thực tiễn và lý luận.

Về thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra. Thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ (trừ thẩm quyền điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao làm rõ quan điểm về nội dung này.

Tham gia đóng góp ý kiến, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, để Tòa án tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng thì cơ chế này không bảo đảm giám sát được, bởi Tòa án không có hồ sơ để ngăn chặn quyết định bắt hay khởi tố... và có nguy cơ “lấn sân” với chức năng của cơ quan khác. Tòa án chỉ có thể ra quyết định của mình sau khi đã có hồ sơ chính thức vụ án, tức là kết thúc giai đoạn truy tố. "Mặc dù nếu thực hiện được quyền này thì quyền lực của Tòa án sẽ tập trung cao, nhưng cũng là sự áp lực, khó khăn đối với Tòa án", Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói.

Ở khía cạnh khác, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho rằng Tòa án chỉ có thể được quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ đối với vụ án trả hồ sơ bổ sung mà Tòa xét thấy cần phải xác minh thêm để làm rõ mà không cần trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cơ quan kiểm sát có quyền kiểm sát điều tra ngay từ giai đoạn đầu đến khi tuyên án, song Tòa án thì không nên, bởi sẽ ảnh hưởng đến tiến trình điều tra của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Tòa án có thể tiến hành điều tra, xác minh chứng cứ trong trường hợp cần thiết như: khi vụ án được đưa ra xét xử, nếu Tòa án phát hiện sai sót, nếu có đủ căn cứ Tòa án tiến hành điều tra mà không trả hồ sơ để các cơ quan tố tụng điều tra lại từ đầu, nhằm đảm bảo tính độc lập của Tòa án trong xét xử, phản ánh đúng tinh thần của Hiến pháp “Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp”.

Cần thành lập một Tòa chuyên trách để xử lý hành chính

Về việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức TAND (phương án 1 khoản 1 Điều 33), nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, không thành lập Tòa giản lược trong TAND sơ thẩm khu vực.

Chỉ rõ do nhu cầu phát triển của đất nước, xu hướng chuyên môn hóa trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với một phần đề nghị của TAND tối cao là cần thành lập một Tòa chuyên trách mới để xử lý hành chính các loại việc thuộc thẩm quyền của TAND như: “đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” và đề nghị lấy tên Tòa này là “Tòa xử lý hành chính”.

Đồng tình với ý kiến của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, thời điểm này nên thành lập Tòa chuyên trách bởi hiện nay Tòa án chưa ra được một quyết định nào về Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các Tòa chuyên trách trong TAND sơ thẩm khu vực sẽ áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử các vụ việc đơn giản, rõ ràng...

Cũng trong sáng 23/9, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi)./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam