Năm học mới, cùng với các chi phí mua sắm sách, vở, áo quần, đồ dùng học tập… thì các khoản đóng góp cũng là một áp lực tài chính không nhỏ đối với các bậc phụ huynh. Các khoản thu trong trường học hiện nay bao gồm: thu theo quy định (học phí, phí gửi xe đạp); các khoản thu hộ (Bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ Đoàn, Đội…) và các khoản thu theo nguyên tắc thỏa thuận (Quỹ Hội Cha mẹ học sinh (CMHS), vệ sinh, nước uống, ghế ngồi chào cờ, đồng phục, in, sao đề thi, kiểm tra các môn học bằng hình thức trắc nghiệm…).
Theo kết luận thanh tra của Sở GD&ĐT “Về quản lý các nguồn thu tài chính đầu năm học 2013-2014 tại một số trường thuộc các cấp học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” cho thấy, trong số 14 trường được thanh tra, có một trường mầm non công lập thu học phí vượt mức và rất nhiều đơn vị trường học có phí trông giữ xe đạp vượt từ 1.000-5.000 đồng so với mức phí theo quy định của UBND tỉnh. Riêng các khoản thu theo sự thỏa thuận, có tới 13/14 trường được thanh tra thực hiện thỏa thuận không đảm bảo theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện CMHS. Các thỏa thuận còn thiếu tính cụ thể, chặt chẽ cho từng nội dung, có biểu hiện của sự áp đặt, lạm thu, tạo áp lực tâm lý về các khoản đóng góp tiền bạc đối với học sinh. Các nội dung thu, chi phục vụ hoạt động của học sinh như mua đồng phục, giấy in thi, đề thi, ghế ngồi chào cờ… ở một số đơn vị thực hiện chưa đúng quy định, chưa sát với thực tế giá cả; tiền hoa hồng hoặc tiền mua dư do giá mua thấp hơn so với thỏa thuận không công khai và không trả lại cho học sinh mà chi cho một bộ phận quản lý và người thực hiện.
Hiện nay, các trường THCS, THPT (kể cả những trường không nằm trong đối tượng thanh tra của năm học 2013-2014) đều đã rà soát và điều chỉnh mức phí trông giữ xe đạp học sinh đúng theo quy định tại Quyết định 42/2011/QĐ-UBND ngày 8-9-2011 của UBND tỉnh về “Ban hành chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô-tô trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Trong đó, phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện) trong trường học trên địa bàn tỉnh ta hiện nay là 5.000 đồng/tháng/xe đối với vùng nông thôn và 10.000 đồng/tháng/xe đối với khu vực thành thị. Các trường tư thục tuy không phải thực hiện theo quy định về các khoản thu, mức thu nhưng cũng đã chú trọng việc công khai các khoản thu, chi cho phụ huynh, học sinh nắm rõ, đảm bảo thực hiện đúng theo những nội dung đã thỏa thuận. Ông Bùi Đăng Oánh, Chủ đầu tư Trường Mầm non tư thục Bình Minh (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết: Trường có bảng công khai các khoản thu, chi hàng tháng cho phụ huynh biết, riêng tiền ăn của cháu được tính theo ngày, trong tháng cháu nghỉ ngày nào thì nhà trường sẽ hoàn trả lại cho phụ huynh toàn bộ số tiền ăn của ngày đó”
Để thực hiện tốt công tác quản lý tài chính trong các đơn vị trường học, không để xảy ra tình trạng lạm thu, đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, đồng thời sẽ có văn bản hướng dẫn, yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập thực hiện công khai các khoản thu, chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh… theo đúng các quy định hiện hành; quán triệt các đơn vị, trường học trong phạm vi toàn ngành thực hiện có hiệu quả điều lệ của Ban đại diện CMHS và thực hiện các khoản thu, chi theo quy định góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của năm học. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng lạm thu, Ban đại diện CMHS các lớp cũng cần phát huy vai trò hoạt động của mình trong việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động cũng như tham gia vào các hoạt động giáo dục học sinh của nhà trường. Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm các khoản thu, chi trong trường học, CMHS có thể phản ánh ngay với các cơ quan chức năng và thanh tra giáo dục để làm rõ.
Bích Thủy