Phương án thi sẽ được triển khai ngay cho năm học này, vào tháng 6/2015. Thí sinh thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong các môn văn hóa còn lại. Nơi nào thí sinh không được học Ngoại ngữ thì được thi môn thay thế. Sau khi có kết quả kỳ thi chung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố mức điểm “ngưỡng” để xét tuyển ĐH, CĐ, và các trường ĐH, CĐ có thể tổ chức thi thêm những môn đặc thù để tuyển sinh. Điều kiện với các trường ĐH, CĐ là phương án thi thêm, thi riêng phải được trình duyệt.
Giảm gánh nặng cho xã hội
Như vậy, so với 3 phương án đã công bố để lấy ý kiến dư luận trước đó, thì phương án được “chốt” không theo hẳn một phương án nào.
Phương án thi là điều không chỉ học sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng hết sức quan tâm. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, phương án thi bảo đảm đánh giá khách quan nhất, tạo thuận lợi nhất, hạn chế tối đa phiền hà cho người học và nhân dân, nhận được sự đồng tình cao của người học và của xã hội.
Để giảm gánh nặng thi cử, việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Các trường ĐH sẽ chủ trì các cụm thi. Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, sẽ có một số cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng giáo viên các trường THPT. Như vậy áp lực “ảo” và việc thí sinh dồn về các thành phố lớn để thi sẽ được hạn chế.
Đề thi, theo Bộ GD&ĐT, sẽ tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt học sinh chưa phải thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì ngoài chương trình phổ thông.
Các sở GD&ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh, hoặc tổ chức thi thêm các môn đặc thù. Do vậy, sau thi thi 4 môn, thí sinh có thể chọn trường (không hạn chế) và thi thêm các môn để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ nhiều hơn.
Băn khoăn kỷ luật và… học lệch
Tuy nhiên, những băn khoăn của xã hội vẫn còn, khi việc tổ chức thi được giao về các cụm trường và thậm chí giao cho địa phương tổ chức.
Bộ GD&ĐT đã khẳng định các giải pháp kỹ thuật và công nghệ sẽ được tính toán sử dụng ở mức độ phù hợp để tăng cường tính bảo mật, an toàn trong tổ chức thi và độ tin cậy của kết quả thi. Công tác thanh tra cũng được tăng cường để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Bộ sẽ xử lý nặng các trường hợp vi phạm quy chế thi.
Tuy nhiên, những sự cố “nhãn tiền” trong kỳ thi tốt nghiệp tại các địa phương năm trước vẫn khiến dư luận lo ngại. Sự việc ở Đồi Ngô (Bắc Giang) hay tình trạng lộn xộn trong thi cử ở Hà Tây (cũ) cùng một vài địa phương khác làm dấy lên lo ngại: Liệu có thể bảo đảm tính khách quan, khi kết quả thi được sử dụng chung toàn quốc, mà việc tổ chức lại do nhiều địa phương tổ chức thi cho thí sinh tỉnh mình?
Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH, CĐ cũng e ngại việc chọn thí sinh dự thi ở cụm thi trường khác, bởi tâm lý chung là việc tổ chức thi để chọn thí sinh cho chính trường mình thường sẽ được chặt chẽ hơn.
Thêm vào đó, ý kiến từ các giáo viên bộ môn về 3 môn thi bắt buộc và 1 môn tự chọn là rất dễ xảy ra tình trạng học lệch trong học sinh. Cụ thể, các môn văn hóa: Sử, Địa.. có khả năng tiếp tục không được nhiều học sinh lựa chọn để thi, một phần do đề thi thường yêu cầu ghi nhớ nhiều sự kiện, ngày tháng, số liệu phức tạp; phần khác do khối C vốn không được chuộng bởi ngành học ít, việc làm sau khi ra trường lại kém hấp dẫn, ít cơ hội việc làm.
Và quan trọng là sau khi xét tốt nghiệp, liệu bao nhiêu trường ĐH sẽ sử dụng được kết quả tuyển sinh chung?
Theo lãnh đạo ĐH Y Hà Nội - trường top đầu và điểm thi luôn cao nhất các năm - trường chắc chắn sẽ phải có thêm kỳ thi để bảo đảm sàng lọc chính xác, nhằm chọn được những thí sinh đạt yêu cầu sau này sẽ trở thành các y, bác sĩ. Dự kiến đầu tháng 10/2014, Hội đồng hiệu trưởng tất cả các trường y trên toàn quốc (khoảng 12 - 15 trường) cũng sẽ họp và bàn phương sách chung của các trường y, trong đó không thể thiếu phương án tuyển sinh để chọn được nhân tài.
Không riêng trường ĐH Y Hà Nội cùng các trường trong hệ thống y khoa; nhiều trường ĐH tốp trên, hoặc những trường có yêu cầu đặc thù cao cũng sẽ lựa chọn phương án thi thêm.
“Bộ không khống chế số trường tuyển sinh riêng, tuy nhiên hy vọng rằng kết quả kỳ thi quốc gia bảo đảm yêu cầu, giảm tốn kém, bảo đảm mục tiêu giáo dục” - Thứ trường Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định với báo giới.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN