HỒ SƠ - VỤ ÁN

Tội ác phía sau cuộc tình tội lỗi

(NTO) Những ngày cuối năm 1986, Công an huyện Ninh Sơn nhận được tin báo của Phạm Thị Bình (SN 1955, trú tại xã Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) có chồng là Nguyễn Văn Cừ bị mất tích, gia đình tổ chức tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Nhận thấy việc mất tích của anh Cừ có nhiều biểu hiện lạ, Công an huyện Ninh Sơn đã báo cáo với lãnh đạo Công an tỉnh, phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự (nay là Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội) vào cuộc điều tra truy tìm.

Trong lúc các điều tra viên đang nỗ lực tìm kiếm tung tích nạn nhân được cho là mất tích thì Công an huyện Ninh Sơn nhận được tin báo có 1 xác chết đã thối rửa tại khu vực rừng Suối Dầu (xã Tân Sơn, huyện Ninh Sơn).

Cơ quan Công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân là nam giới, chết vì vết đạn bắn ở cự ly gần, thời điểm nạn nhân tử nạn cách đó khoảng 15 ngày. Gần nơi nạn nhân nằm, lực lượng Công an đã thu được 3 vỏ đạn AR15, 1 bình ắc quy, 1 súng AR15 và 151 viên đạn.

Phải chăng nạn nhân xấu số là anh Nguyễn Văn Cừ- người có đơn báo đang bị mất tích? Để nhận diện tử thi, Phạm Thị Bình đã được cơ quan Công an mời đến hiện trường. Dù xác chết đã nhiều ngày trôi qua, tử thi bị biến dạng, thế nhưng vừa giở tấm chăn đắp trên người của nạn nhân xấu số, Phạm Thị Bình khuỵu xuống, gào khóc thảm thiết…vì nhận ra bộ quần áo, cùng những vật dụng của chồng mang theo trước khi được cho là mất tích.

Sau những thủ tục pháp lý bắt buộc, nạn nhân được giao cho gia đình tổ chức mai táng. Trong đám tang vội vã của anh Nguyễn Văn Cừ, các trinh sát lòng quặn thắt khi thấy 3 đứa con thơ dại của anh Cừ gào khóc trước di quan của bố và nói rằng “Mẹ bảo bố đi tìm trầm cùng đồng bào dân tộc thiểu số sao lại chết thảm trong rừng”. Tại sao chi tiết này Thị Bình không báo với cơ quan Công an mà chỉ nói chồng bị mất tích, không rõ lý do đi đâu? Làm gì? Tất cả những vấn đề này đã không thể qua mắt cơ quan Công an. Chưa kể trong đám tang của chồng Thị Bình tỏ ra đớn đau, vật vã nhưng có điều gì đó rất khác lạ, khiến các trinh sát chột dạ…và linh cảm rằng Thị Bình có liên quan đến cái chết của chồng. Do đó sau khi lo tang lễ cho chồng, Thị Bình đã được cơ quan Công an triệu tập.

Tại đây Thị Bình luôn tỏ thái độ đau thương trước cái chết của chồng, hòng che giấu hành vi phạm tội của mình nhưng trước những tài liệu, chứng cứ thu thập được và tang vật vụ án, biết không thể che giấu tội lỗi thị đã khai nhận:

Dù đã có chồng và 3 con nhỏ, nhưng cách đây hơn 1 năm (năm 1985) thị đã nẩy sinh tình cảm với một người đàn ông khác, đó là Nguyễn Bốn (SN 1950, trú tại xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn). Nguyên do là trước đó Nguyễn Bốn đã bán cho vợ chồng Thị Bình 1 chiếc xe máy hiệu SUZUKI. Nhờ vào việc mua, bán này mà Bốn đã trở thành thân quen với gia đình của thị. Sau đó không hiểu ma đưa lối, quỷ đưa đường hay vì thói trăng hoa của Bốn mà chỉ vài lần ỡm ờ đưa đẩy, Bốn và Thị Bình đã say nhau như điếu đổ, cho dù Bốn cũng đã có vợ, nheo nhóc 7 đứa con thơ.

Cuộc tình vụng trộm kéo dài hơn 1 năm nhưng không bị mọi người phát hiện, kể cả anh Cừ là chồng của Thị Bình và vợ của Bốn. Tuy nhiên do quan hệ bất chính nên cả 2 luôn sống trong tâm trạng sợ hãi, lo lắng, nếu chuyện đổ bể thì người đời cười chê, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Nhưng không vì thế mà dừng lại, đôi tình nhân vẫn bất chấp luân thường đạo lý, tiếp tục quấn quýt, ngày một mặn nồng hơn.

Để tránh sự phát hiện của mọi người, được tự do đi lại cùng nhau, Nguyễn Bốn đã bàn với Thị Bình tìm cách giết chết chồng- anh Nguyễn Văn Cừ. Trong men say của cuộc tình tội lỗi, Phạm Thị Bình không đủ tỉnh táo để nhận rõ trong- đục, đúng-sai, thị bằng lòng ngay và một kế hoạch được cả 2 bàn bạc, thống nhất…

Theo đó, vào ngày 21-11-1986, Nguyễn Bốn tới nhà Phạm Thị Bình để cùng đi săn với chồng của người tình. Nằm trong tính toán của đôi "gian phu dâm phụ", tạo chứng cứ ngoại phạm nếu bị cơ quan Công an phát hiện nên trước khi đi với anh Cừ, Bốn đã chở 3 đứa con của Bình ra sân vận động xem đá bóng rồi mới trở về. Sau đó cả 2 lên đường và dự tính sẽ vào đến địa điểm săn lúc trời đã tối. Thị Bình đi theo một quãng đường ngắn, ả không quên dặn dò chồng cẩn thận, bảo trọng bản thân và về sớm với các con. Anh Cừ không một chút bận tâm, mảy may nghi ngờ về lòng dạ của người đàn bà đã bao nhiêu năm làm vợ, để rồi số phận nghiệt ngã của anh sớm bị định đoạt bởi mưu sâu kế hiểm, sự độc ác của vợ cùng gã nhân tình mất hết nhân tính.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ, xế chiều cả 2 vào đến rừng. Đến khu vực Suối Dầu, do có chủ định trước nên Bốn đã để anh Cừ mang bình ắc quy đi trước, còn Bốn mang theo khẩu súng AR15 theo sau. Càng vào sâu, con đường rừng càng trở nên hoang vắng và màn đêm buông xuống một cách nhanh chóng. Cả 2 thôi không còn nói chuyện rôm rả như lúc trước, mà chỉ còn tiếng bước chân nặng nề và hơi thở gấp gáp vì phải vượt một đoạn đường dốc khá cao. Lúc này Bốn bước chậm lại và dưới ánh đèn pin tiểu (loại đèn dành cho người đi săn thường mang ở đầu) vẫn soi rõ bóng dáng Cừ phía trước. Cho rằng cơ hội đã đến Nguyễn Bốn ra tay hành động, y chĩa nòng súng vào anh Cừ và bóp cò. Bị trúng đạn anh Cừ ngã xuống, còn giãy giụa, Bốn giương súng bắn liên tiếp 2 phát cho chết hẳn, rồi thu gom đồ đạc chạy về nhà Thị Bình. Lúc này Thị Bình chưa ngủ, đang thao thức trông ngóng người tình trở về. Sau khi được Bốn thông báo đã giết chết anh Cừ một cách gọn ghẽ, cả 2 hí hửng tin rằng việc làm tội lỗi của chúng sẽ không bị phát hiện. Kể từ đó tên Bốn lấy cớ giúp Bình đi tìm chồng bị mất tích, nên đã ở lại nhà của Thị Bình cho đến ngày bị cơ quan Công an bắt giữ.

Tại cơ quan Công an, cả Bình và Bốn đều quanh co, đổ lỗi cho nhau, hòng chối tội. Tuy vậy trước đầy đủ chứng cứ, tang vật không thể chối cãi chúng phải thành khẩn khai báo.

Hành vi phạm tội của Nguyễn Bốn và Phạm Thị Bình là hết sức nghiêm trọng, vi phạm luân thường đạo lý, cố ý giết người một cách dã man, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Cơ quan Công an đã hoàn thành thủ tục hồ sơ, đề nghị truy tố trước pháp luật. Ngày 21-12-1987, Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Bốn với mức án tử hình và 18 năm tù giam dành cho Phạm Thị Bình. Bản án nghiêm minh của pháp luật đã được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên bản án lương tâm sẽ phán xét Thị Bình trong suốt quãng đời còn lại.