Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 150.000 ha diện tích đất có rừng tự nhiên. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên giáp ranh khu vực các tỉnh lân cận là rất lớn. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, rừng giáp ranh là khu vực có đặc điểm rất phức tạp, núi cao, độ dốc lớn, hiểm trở, lại nằm xa khu dân cư nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Năm 2010 Sở NN&PTNT đã ký quy chế phối hợp bảo vệ rừng (BVR) với 3 tỉnh có rừng giáp ranh với tỉnh ta là Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa.
Lực lượng Kiểm lâm Ninh Sơn bắt giữ gỗ khai thác trái phép tại vùng rừng giáp ranh giữa xã Ma Nới (Ninh Sơn)
và huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Nhằm tạo điều kiện cho lực lượng kiểm lâm và chủ rừng các tỉnh trao đổi, kịp thời cung cấp thông tin tình hình phá rừng, danh sách đối tượng vi phạm, xác định các điểm nóng về phá rừng và hỗ trợ lẫn nhau trong phối hợp kiểm tra, truy quét. Trên cơ sở quy chế đã ký kết, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng kiểm lâm, lực lượng BVR, cơ quan chức năng các tỉnh giáp ranh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tỉnh ta tổ chức trên 3.000 đợt truy quét việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên vùng rừng giáp ranh với gần 25.000 lượt người tham gia. Phát hiện và xử lý 918 vụ vi phạm, tịch thu hơn 432m³ gỗ các loại, 241 mô-tô và nhiều phương tiện khác. Ngoài ra, kiểm lâm và chính quyền các địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng cho gần 58.000 lượt người và tổ chức cho gần 2.000 hộ dân sống gần rừng và ven rừng vùng giáp ranh ký cam kết không vi phạm Luật BV&PTR.
Với sự chung tay phối hợp của các đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền các tỉnh nên trong thời gian qua tình hình phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực giáp ranh đã có giảm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất phức tạp và âm ỉ. Hàng năm, vẫn còn xảy ra hàng trăm vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển và phá rừng làm rẫy tại các khu vực này, nhiều vụ với quy mô lớn. Điển hình như: Vụ 5 đối tượng dùng xe máy cày độ chế, khai thác hơn 8m3 gỗ Hương (nhóm I) vận chuyển từ hướng xã Ma Nới (Ninh Sơn) ngược về huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bị lực lượng Kiểm lâm Ninh Sơn bắt giữ vào tháng 2-2013, hay vụ phá rừng, lấn rừng trái pháp luật tại vùng giáp ranh gữa xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn với Thị trấn D’Ran huyện Đươn Dương (Lâm Đồng) do người dân các khu vực lân cận có nhu cầu đất canh tác nên đã xâm hại, lấn chiếm hơn 480 ha diện tích đất lâm nghiệp…Tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp BVR giáp ranh giữa tỉnh ta và các tỉnh lân cận vừa qua, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc phối hợp BVR giữa các tỉnh đã giúp hạn chế số vụ vi phạm nhiều, nhưng tình trạng khai phá rừng phòng hộ và các vụ vi phạm có quy mô lớn lại tăng cao. Số vụ chống người thi hành công vụ ngày càng manh động, trong công tác phối hợp vẫn có sự rò rỉ thông tin dẫn đến một số vụ truy quét giữa các lực lượng không thật sự hiệu quả. Vẫn còn tình trạng người dân tỉnh này đi qua phá rừng của tỉnh khác vì cho rằng không quản lý được lai lịch của mình.
Theo đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, để công tác BVR giáp ranh đạt hiệu quả hơn, thời gian tới, quy chế phối hợp phải có quy mô cấp tỉnh, hệ thống chính trị phải đồng bộ từ cấp tỉnh đến tận thôn, tổ nhân dân tự quản để có thể theo dõi chỉ đạo sâu sát; bên cạnh đó, lực lượng vũ trang cùng tham gia với lực lượng kiểm lâm khi tổ chức truy quét, truy bắt đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Mặt khác, cần đẩy mạnh các giải pháp về kinh tế, giúp người phá rừng chuyển nghề khác, có như thế nạn phá rừng mới giảm.
Nguyễn Sơn