Tôi đã được đọc, được nghe kể rất nhiều câu chuyện về tấm gương đạo đức cách mạng của Bác, nhưng có một câu chuyện mà tôi luôn nhớ. Câu chuyện này tôi được nghe kể lại từ một cụ cán bộ cách mạng lão thành, về một trong vài lần hiếm hoi ông được trực tiếp làm việc với Bác.
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961.
Chuyện kể rằng: “Một lần ông được làm việc trực tiếp với Bác. Trong lúc làm việc, ông thèm hút thuốc lá vì thói quen không bỏ được. Ông đã xin phép và được Bác bằng lòng. Sau khi châm điếu thuốc xong, tiện tay ông liệng que diêm vào góc phòng. Thấy vậy, Bác nhẹ nhàng đứng dậy nhặt que diêm bỏ vào gạt tàn thuốc trên bàn và ôn tồn nói: Vậy là chú chưa tôn trọng công lao động của các chị lao công”.
Chỉ một lời nhắc nhẹ nhàng, một câu chuyện nhỏ, song trong đó chứa đựng những bài học có ý nghĩa to lớn.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn quan tâm tới công tác cán bộ, vì theo Người: “Cán bộ là gốc của cách mạng, công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng” nên Người yêu cầu phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng trong công tác, có trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời, Người cũng luôn nhắc nhở cán bộ rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tổ chức, nâng cao tinh thần và ý thức phục vụ nhân dân. Do vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động, Bác luôn nhắc nhở, giáo dục, dù đó chỉ là những sai sót nhỏ, những hành vi xấu của những cán bộ làm việc bên Bác. Bởi vì một sai sót nhỏ, nếu không sửa chữa ngay sẽ gây hậu qủa lớn. Một hành vi xấu, nếu để lâu ngày sẽ thành thói quen xấu sẽ rất khó sửa, mà nhiều khi mất cả cán bộ.
Nhân văn hơn, Bác Hồ là một tấm gương vĩ đại về lòng yêu nước, thương dân. Từ lòng yêu nước, thương dân, Bác đã luôn lo lắng làm sao cho nhân dân bớt khổ. Và cũng chính từ quan điểm nhân văn, với tấm lòng nhân hậu đó, Người rất tôn trọng công sức lao động của nhân dân. Người đã từng không ngủ được vì thương đoàn dân công phải ngủ đêm ngoài rừng, trải lá cây làm chiếu, manh áo phủ làm chăn và Người đã rất nóng ruột, mong cho trời sáng cho mau. Người cũng đã từng không ngủ được vì thương người lao công phải vất vả lao động trong đêm khuya khi nghe tiếng chổi tre quét rác của họ. Do vậy, Người đã đề nghị nên trồng loài cây gì sao cho ít rụng lá. Rõ ràng, từ lòng yêu nước, thương dân, Người đã rất tôn trọng và bảo vệ công sức lao động của người khác và Người luôn khuyên răn, nhắc nhở cán bộ phải biết tôn trọng, biết nâng niu công sức lao động của mọi người, dù chỉ là một công việc lao động giản đơn của một chị lao công như câu chuyện trên.
Trong câu chuyên trên còn có một ý nghĩa mang tính triết lý sâu xa hơn. Đó là phải biết, phải làm được, phải quan tâm đến mọi việc trong công tác, dù chỉ là những việc nhỏ nhặt nhất. Trong cuộc sống cũng như trong học tập, làm việc của mỗi người phải biết chú ý quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn hơn. Và chỉ khi biết, khi quan tâm tới và làm được những việc nhỏ nhặt, thì mới biết, mới quan tâm tới những việc lớn và làm được những việc lớn hơn cho cách mạng, cho xã hội.
Chúng ta hãy nhìn ra xung quanh mình trong cuộc sống xã hội hiện nay. Khi mà điều kiện sống của con người trong xã hội đã tốt hơn lên rất nhiều sau những thành quả cách mạng, với những cố gắng chung của mọi người trong xã hội. Thế nhưng vẫn còn bao việc, bao hiện tượng tồn tại với những lãng phí, những lãng phí hữu hình và cả những lãng phí vô hình. Tất cả những lãng phí đó, dù cố tình hay vô ý, dù trực tiếp hay gián tiếp đều là những lãng phí của cải trong xã hội, là những sản phẩm, là công sức của người lao động mà nhiều khi lại là của chính chúng ta. Xung quanh chúng ta hiện nay có bao việc mà chính ta cần phải quan tâm, nên làm và cần phải làm. Song chính chúng ta cũng đã cho qua và nghĩ rằng đó là chuyện nhỏ, là việc của ai đó, ta không phải quan tâm. Đã đến lúc trong mỗi chúng ta cần quan tâm hơn đến những “chuyện nhỏ” đó, để thiết thực hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng hành động cụ thể. Mỗi chúng ta cần phải nâng niu, tôn trọng công sức lao động của người khác, dù là rất nhỏ để góp phần nhỏ chung tay xây dựng xã hội mới “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn.
Trương Tiến Hưng