Từ thực tiễn và kinh nghiệm triển khai Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2001 về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" những năm qua, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo Bác, thực hiện những lời dạy của Người trong Di chúc, cần tiếp tục tập trung làm tốt một số điểm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng chi bộ Đảng
“bốn tốt” ở ngoại thành Hà Nội (ngày 18.12.1964). Ảnh: Tư Liệu
Một là, nhận thức đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò và nhiệm vụ giáo dục đạo đức, chống suy thoái về đạo đức, lối sống.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người cũng căn dặn phải giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên, giáo dục, giúp đỡ những nạn nhân của chế độ xã hội cũ thành người lương thiện.
Hai là, quán triệt quan điểm của Đảng, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, quan trọng của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, trong cuộc sống hàng ngày của cán bộ, đảng viên và mọi người dân.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người, mỗi vị trí, mỗi cương vị công tác. Đối với cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo trách nhiệm càng phải cao hơn. Học tập và làm theo Bác phải từ những công việc cụ thể, giản dị, nhỏ nhất hàng ngày.
Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực, quan liêu, lãnh phí; phải gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân, nói đi đôi với làm, xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân” như Bác căn dặn.
Ba là, kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW với giải quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Ở tất cả các cấp, lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục, nhất là những vấn đề về đạo đức, lối sống nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận; có kế hoạch, biện pháp khắc phục cụ thể, phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách; tập trung giải quyết dứt điểm, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bốn là, kết hợp xây và chống, thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Nêu gương là một trong những nguyên tắc thực hành đạo đức trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã dạy “Muốn người ta theo mình phải làm gương trước”.
Người đề cao hành động “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hành đạo đức.
Thực tế ở nhiều nơi, cấp ủy đã ban hành những quy định cụ thể về nêu gương và chỉ đạo thực hiện, kèm theo là cơ chế đăng ký, kiểm tra, giám sát… đã mang lại kết quả rất tích cực.
Trong điều kiện một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội hiện nay, vai trò nêu gương của người đứng đầu càng trở nên quan trọng để lấy lại niềm tin và lôi cuốn mọi người đi theo.
Để việc nêu gương có kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên phải đăng ký trước tập thể, xây dựng chương trình, kế hoạch phấn đấu, có sự giúp đỡ kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, sự góp ý của nhân dân.
Năm là, đặt nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nhấn mạnh nhiều lần về đạo đức và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và xác định mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là để góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước.
Nguồn www.chinhphu.vn