TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG "NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM":

Qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(NTO) Thực hiện Thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị; Thông tri số 36/TTr-MTTW-BTT ngày 16/9/2009 và Kế hoạch số 18/KH-MTTW-BCĐTW ngày 8/12/2009 của Ủy ban Trung ương MTTQVN về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 08/3/2010 “về tổ chức triển khai và thực hiện Cuộc vận động” của Ban Chỉ đạo tỉnh, đến nay có thể nói đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực từ công tác tổ chức nghiên cứu, quán triệt thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, đoàn thể và các địa phương cũng như được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

 
Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam
thu hút người dân địa phương đến mua sắm. Ảnh: V.M

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh, trong 5 năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã tập trung quan tâm rà soát các cơ chế, chính sách nhằm chủ động tham mưu ban hành các văn bản giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển các hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Khuyến khích và định hướng tiêu dùng hàng Việt Nam trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản công, trong đó nêu cao vai trò của người đứng đầu gương mẫu thực hiện Cuộc vận động. Phối hợp chỉ đạo tổ chức một số điểm bán sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ trong nước để phục vụ nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của nhân dân. Đơn cử như ngành Công thương đã tổ chức thành công 9 hội chợ cấp tỉnh, 7 hội chợ cấp huyện về Thương mại - Du lịch - Làng nghề - Mua sắm; tổ chức 12 Phiên chợ hàng Việt và 150 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi...Ngoài ra còn triển khai thực hiện kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm và phục vụ tết Nguyên đán, đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của nhân dân. Ngành nông nghiệp & PTNT đã hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông, lâm, thủy sản đăng ký xây dựng thương hiệu; triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cho nông dân và doanh nghiệp. Sở Y tế đã vận động các cơ sở y tế và cán bộ, viên chức trong ngành tự giác sử dụng đến 80% các loại thuốc sản xuất trong nước để phục vụ công tác khám chữa bệnh; giảm tỷ lệ sử dụng thuốc nước ngoài dưới 20% trong công tác lập kế hoạch đấu thầu thuốc hàng năm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức hội thảo, quảng bá thuốc và trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng... Từ những việc làm thiết thực đó làm cho nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động trong các cấp lãnh đạo, cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tạo thói quen dùng hàng Việt Nam trong đại đa số người dân trong tỉnh. Các cơ quan nhà nước đã thực hiện nghiêm túc hơn việc quản lý, sử dụng hàng Việt trong đầu tư công và mua sắm trang thiết bị văn phòng. Các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam với chất lượng ngày càng nâng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân...

 
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt chất lượng cao tại phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”
ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước).Ảnh: V.Miên

Tuy nhiên thực tế cũng cần nhìn nhận, đó là nhận thức về Cuộc vận động của một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể còn những mặt hạn chế, bất cập. Các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa hoàn thiện, gây băn khoăn, lo lắng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Mặc khác, do tỉnh ta là thị trường nhỏ, quy mô và trình độ sản xuất của một số doanh nghiệp chưa được cải tiến, giá cả và chất lượng, mẫu mã một số mặt hàng sản xuất có sức cạnh tranh còn thấp so với hàng ngoại nhập nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu giá rẻ chưa được ngăn chặn có hiệu quả gây khó khăn, trở ngại cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, góp phần ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Cuộc vận động...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động trong những năm tới yêu cầu đặt ra là cần tập trung khắc phục một số mặt hạn chế như đã nêu trên; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền cần thiết thực và phù hợp với thị hiếu của từng đối tượng. Mặt khác, vận động các doanh nghiệp sản xuất, đại lý phân phối trong tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa, hTạ giá thành sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.